QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH TÂY NINH NHIỆM KỲ 2020-2025

                                 QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA
                                      Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh
                                                           Khóa IV, nhiệm kỳ 2020-2025
                          (Phê duyệt kèm theo Quyết định số 01/QĐ-LHH  ngày 28 tháng  12 năm 2020
                                     của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnhh Tây Ninh)                                                                             
                                                                               Chương I

                                             TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG  
           Điều 1. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Tây Ninh là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Tây Ninh.
          Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ.
          Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh là thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và quản lý nhà nước của Ủy ban Nhân dân tỉnh.
          Điều 2. Mục đích hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh là tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà và xây dựng nền kinh tế tri thức, góp phần bảo vệ Tổ quốc và thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
          Điều 3. Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh thực hiện theo Điều lệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh được Đại hội đại biểu thông qua. Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
          Điều 4. Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh. Liên hiệp Hội có trụ sở tại số 081, Đường Lê Lợi, Phường 2, Thành phố Tây Ninh; có tư cách pháp nhân, tổ chức bộ máy, có con dấu, có tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ ở Kho bạc Nhà nước tỉnh Tây Ninh.
                                                                              Chương II
                                        CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ NGHĨA VỤ
         
          Điều 5. Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có các chức năng sau:
          1. Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài tỉnh; điều hòa, phối hợp và hướng dẫn hoạt động của các hội thành viên, hội viên tập thể.
          2. Làm cầu nối giữa các hội thành viên, hội viên tập thể với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh nhằm giải quyết các vấn đề chung đối với đội ngũ trí thức của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh.
          3. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội thành viên, hội viên tập thể, của đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh Tây Ninh.
          Điều 6. Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có các nhiệm vụ sau đây:  
          1. Xây dựng và phát triển tổ chức:
          a) Thực hiện công tác xây dựng, củng cố, phát triển và kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh.
          b) Điều hòa, phối hợp và trợ giúp hoạt động các hội thành viên, hội viên tập thể.
          c) Tăng cường mối liên kết giữa Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh với các sở, ban, ngành trong tỉnh; các Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố trong nước và với các hội thành viên, hội viên tập thể.
          2. Vận động trí thức khoa học và công nghệ:
          a) Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần hợp tác, tính cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ trí thức KH&CN, đặc biệt là trí thức trẻ.
          b) Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đội ngũ trí thức KH&CN.
          c) Vận động trí thức KH&CN người Việt Nam trong và ngoài nước tham gia các hoạt động cụ thể, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          d) Tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đội ngũ trí thức KH&CN.
          3. Tổ chức thực hiện các hoạt động:
          a) Đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề về đường lối, chính sách phát triển địa phương, nhất là về KH&CN, giáo dục đào tạo, chính sách đối với trí thức.
          b) Chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng của địa phương.
          c) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
          d) Phổ biến kiến thức KH&CN, tham gia xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
          đ) Tổ chức, hướng dẫn và khuyến khích phong trào sáng tạo của quần chúng trong hoạt động KH&CN.
          e) Tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, thực hiện giám sát hoạt động nghề nghiệp và các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
          g) Tham gia phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các hoạt động khác.
          4. Thực hiện vai trò thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh:
          a) Phối hợp với các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh triển khai các hoạt động chung nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường liên minh công nhân - nông dân - trí thức và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
          b) Phản ánh nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN với Đảng, Nhà nước và Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh.
          c) Tham gia đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh, góp phần xây dựng và củng cố tình hữu nghị, sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia và dân tộc.
          5. Tăng cường hợp tác với các hội, các tổ chức phi chính phủ của các nước, tham gia các tổ chức KH&CN của khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.
          Điều 7. Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có các quyền hạn sau:
          1. Cử đại diện tham gia Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          2. Tham gia thảo luận và quyết định các chủ trương chung của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          3. Tham gia các hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
4. Hưởng các quyền lợi do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam quy định.
          5. Yêu cầu Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
6. Liên hiệp Hội có thể ra khỏi Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam  khi có nghị quyết đại hội của Liên hiệp hội và được sự chấp thuận của Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          Điều 8. Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có các nghĩa vụ sau:
           1. Tuân thủ Điều lệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu toàn quốc, của các hội nghị Hội đồng Trung ương và của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          2. Tham gia các hoạt động nhằm góp phần mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; vận động các tổ chức hội thành viên chuyên ngành và các hội viên khác hưởng ứng các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          3. Đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động giữa các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          4. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam theo quy định của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
                                                                                 Chương III
                                                                          HỘI THÀNH VIÊN
          Điều 9. Hội thành viên của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh gồm các hội thành viên và hội viên tập thể
         1. Hội thành viên là các hội KH&CN chuyên ngành, hoạt động hợp pháp trên các lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật trong tỉnh.
          2. Hội viên tập thể là các tổ chức KH&CN, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN trong tỉnh có tư cách pháp nhân được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
          Các hội thành viên, hội viên tập thể có điều lệ và quy chế hoạt động riêng trên cơ sở tán thành Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh, tự nguyện gia nhập Liên hiệp Hội và được chấp nhận.
          Điều 10. Quyền của các hội thành viên, hội viên tập thể
          1. Cử đại diện tham gia Ban Chấp hành Liên hiệp Hội.
          2. Tham gia thảo luận và quyết định các chủ trương chung của Liên hiệp Hội.
          3. Tham gia các tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội.
          4. Được Liên hiệp Hội tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ trong hoạt động hội.
          5. Yêu cầu Liên hiệp Hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
          6. Hội thành viên, hội viên tập thể ra khỏi Liên hiệp Hội khi có nghị quyết đại hội của hội thành viên hoặc Ban chấp hành của hội thành viên có văn bản đề nghị của lãnh đạo các hội viên tập thể và được sự chấp thuận của Ban Chấp hành Liên hiệp Hội.
          Điều 11. Nghĩa vụ của các hội thành viên, hội viên tập thể
          1. Tuân thủ Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội, thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu Liên hiệp Hội, của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Liên hiệp Hội. Có nghĩa vụ cung cấp thông tin (báo cáo) định kỳ hoặc đột xuất cho Ban thường vụ, Ban Chấp hành Liên hiệp Hội theo quy định hoặc khi có yêu cầu.
          2. Tham gia các hoạt động nhằm góp phần mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Liên hiệp Hội; vận động hội viên hưởng ứng các hoạt động của Liên hiệp Hội.
          3. Đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động giữa các hội thành viên, hội viên tập thể của Liên hiệp Hội.
          4. Đóng góp nguồn lực cho hoạt động của Liên hiệp Hội theo quy định của Liên hiệp Hội.
                                                                             Chương IV
                                    CƠ QUAN LÃNH ĐẠO LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC
                                                       VÀ KỸ THUẬT TỈNH TÂY NINH
         
          Điều 12. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh là đại hội đại biểu của Liên hiệp Hội
          Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh do Ban Chấp hành Liên hiệp Hội triệu tập, thường kỳ 5 năm một lần; đại hội bất thường được triệu tập khi có yêu cầu của trên 1/2 số hội thành viên, hội viên tập thể.
          Trước đại hội, Ban Thường vụ Liên hiệp Hội thống nhất với Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các tổ chức liên quan tỉnh Tây Ninh về nội dung, nhân sự, quy trình và thủ tục tổ chức đại hội.
          Điều 13. Đại hội đại biểu Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có nhiệm vụ:
          1. Đánh giá kết quả hoạt động nhiệm kỳ qua, quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới.
          2. Thảo luận và biểu quyết sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp Hội.
          3. Bầu Ban Chấp hành Liên hiệp Hội.
          Điều 14. Ban Chấp hành
          1. Ban Chấp hành Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh gồm đại diện của tất cả các hội thành viên, hội viên tập thể, một số đại diện trí thức tiêu biểu do Ban Thường vụ nhiệm kỳ trước giới thiệu và đại diện một số sở, ngành, tổ chức liên quan. Số lượng, cơ cấu và thể thức bầu cử do đại hội quy định.
          Ban Chấp hành Liên hiệp Hội họp định kỳ mỗi năm hai lần, họp bất thường khi có yêu cầu của trên 1/2 tổng số ủy viên Ban Chấp hành.
          2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
          a) Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo Liên hiệp Hội giữa hai kỳ đại hội, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội, chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ hoạt động của Liên hiệp Hội giữa hai kỳ đại hội.
          b) Quyết định tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Ban Chấp hành, phù hợp với các quy định hiện hành.
          c) Quyết định kết nạp, chấp thuận hội thành viên và hội viên tập thể xin ra khỏi Liên hiệp Hội; bổ sung, thay đổi, miễn nhiệm các ủy viên Ban Chấp hành.
          d) Ban Chấp hành Liên hiệp Hội bầu Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra; bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký (hoặc Ủy viên Thư ký) và Trưởng ban Kiểm tra trong số các ủy viên Ban Thường vụ. Số lượng, cơ cấu và thể thức bầu do Ban Chấp hành quy định.
          đ) Chuẩn bị đại hội đại biểu Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh.
          Chủ tịch Ban Chấp hành Liên hiệp Hội là người chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Liên hiệp Hội. Các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký (hoặc Ủy viên Thư ký) thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch).
          Điều 15. Ban Thường vụ
          1. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành lãnh đạo và kiểm tra toàn bộ hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành.
          Ban Thường vụ họp 3 tháng một lần. Chủ tịch có quyền triệu tập các cuộc họp bất thường của Ban Thường vụ.
          2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
          a) Thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan Liên hiệp Hội, các hội đồng chuyên môn, các tổ chức KH&CN và các tổ chức trực thuộc khác.
          b) Quy định nhiệm vụ cụ thể của các ủy viên thường vụ.
          c) Thảo luận dự thảo các văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          d) Bầu đại biểu đi dự đại hội toàn quốc của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và cử đại diện tham gia Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
          3. Hoạt động của Ban Thường vụ được quy định tại quy chế do Ban Chấp hành thông qua.
          Điều 16. Ban Kiểm tra
          1. Nhiệm vụ và quyền hạn:
          a) Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành Điều lệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Quy chế hoạt động của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh.
            b) Phối hợp với Ủy ban kiểm tra Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện việc kiểm tra khi tổ chức, cá nhân thuộc Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có dấu hiệu vi phạm việc chấp hành Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc thực hiện nghị quyết đại hội, nghị quyết của Hội đồng Trung ương và các quy định khác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
c) Kiểm tra việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh.
          d) Hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động của Ban Kiểm tra các hội thành viên.
          đ) Xem xét và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.
          e) Kiến nghị Ban Chấp hành Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh hình thức kỷ luật các tổ chức và cá nhân vi phạm.
          2. Ban Kiểm tra họp định kỳ hằng năm và có thể họp bất thường theo yêu cầu của Chủ tịch Liên hiệp Hội hoặc đề nghị của Trưởng ban Kiểm tra.
          3. Ban Kiểm tra hoạt động và tuân thủ quy chế do Ban chấp hành quy định.
          Điều 17. Các bộ phận giúp việc Liên hiệp hội gồm:
          1. Văn phòng;
          2. Ban Thông tin, Phổ biến kiến thức và Hội viên;
          3. Ban Khoa học Công nghệ và Tư vấn phản biện.
          Ngoài ra, do nhu cầu phát triển, khi đủ điều kiện có thể thành lập các trung tâm khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội, giao cho Ban Chấp hành xem xét trình Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.

                                                                             Chương V
                                                              TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN
          Điều 18. Nguồn tài sản và tài chính của Liên hiệp hội
          1. Nguồn tài chính, gồm:
          -  Kinh phí chi thường xuyên hàng năm do Nhà nước cấp để đảm bảo duy trì tổ chức và hoạt động thực hiện theo chức năng và nhiệm vụ;
          - Kinh phí sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và giao thực hiện;
          - Đóng góp của các hội thành viên, Hội viên tập thể và các tổ chức trực thuộc;
          - Tài trợ theo các chương trình, dự án và ủng hộ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có);
          - Các nguồn thu hợp pháp khác.
         2. Tài sản gồm:
          - Trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc được Nhà nước bảo đảm;
          - Các tài sản hữu hình và vô hình thuộc sở hữu được thừa kế, chuyển nhượng hợp pháp.
          Điều 19. Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản
          Việc quản lý và sử dụng tài chính và tài sản của Liên hiệp hội thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quy định của các cơ quan có thẩm quyền và quy định của Ban Thường vụ Liên hiệp Hội.
         Điều 20.
         Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có thể thành lập các quỹ để hỗ trợ các hoạt động vận động trí thức, hoạt động sáng tạo KH&CN, hoạt động phổ biến kiến thức và các hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Việc thành lập, hoạt động và quản lý các quỹ theo quy định của pháp luật và quy định của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên hiệp Hội.
                                                                                Chương VI
                                                              KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
          Điều 21. Khen thưởng
          Các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác hội được Liên hiệp hội xét khen thưởng hoặc đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh khen thưởng. Chế độ khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.
          Hình thức khen thưởng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, của Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh do Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hoặc Ban Thường vụ Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh quy định.
          Điều 22. Kỷ luật
Tổ chức Hội thành viên, các cơ quan trực thuộc Liên hiệp hội, hội viên và cán bộ, nhân viên vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của Liên hiệp hội hoặc làm tổn hại đến uy tín, danh dự, tài sản, tài chính của Liên hiệp hội thì tùy theo mức độ sai phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.
                                                                           Chương VII
                                                              ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
          Điều 23. Ban Thường vụ Liên hiệp Hội tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này.
          Những vấn đề liên quan đến hoạt động của Liên hiệp hội chưa được quy định trong Quy chế này thì được căn cứ vào những quy định tại Điều lệ của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16/4/2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác hướng dẫn thi hành.
          Điều 24.
          Quy chế này gồm 7 Chương, 24 Điều, được Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua ngày 18 tháng 12 năm 2020, có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh.
          Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh quyết định./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây