1. LÀM AO NUÔI CÁ KOI
Nuôi cá Koi (cá chép Koi) mang về lợi nhuận cao, đây là loài cá dễ nuôi, thích nghi nuôi hồ, nuôi ao… Để nuôi cá chép Koi số lượng lớn có thể chọn ao nuôi diện tích lớn 500-1000 m². Tốt nhất là ao nuôi nên ở nơi thoáng đãng và ánh sáng mặt trời đầy đủ. Dọn dẹp các bụi cây quanh ao và chặt bỏ các cành cây lớn xung quanh, có tán xòe xuống ao. Điều này đảm bảo việc ao nuôi đón ánh nắng được ít nhất 8 giờ/ngày.
Độ sâu chuẩn nhất của ao nằm trong khoảng 1,2- 1,5 m. Trước hết, chúng ta làm khô ao và loại bỏ lớp đất bùn dưới đáy. Vì lớp đất này là nguyên nhân sản sinh ra khí độc. Thêm một lớp cát vào đáy ao vì cát sẽ giúp cho đáy ao sạch hơn, hạn chế sản sinh ra bùn đáy.
Ao nuôi gần nguồn nước để chủ động thay nước. Bờ ao cao hơn mực nước thủy triều cao nhất là 0,5 m. Nước ao nuôi cá Koi rất quan trọng, duy trì sự sống và phát triển của cá nên chú ý đến những vấn đề sinh, lý tính trong nguồn nước nuôi cá. Một số lưu ý là pH: 7-7.5; nhiệt độ 20- 27°C; hàm lượng oxy tối thiểu 2.5mg/L. Thông thường, sau một thời gian nuôi cá thì chất thải, chất nhờn, ánh nắng mặt trời… sẽ làm cho tảo, rong rêu phát triển nhiều hơn, ảnh hưởng đến oxy trong hồ làm thiếu hụt lượng oxy để cá hô hấp nên bạn hãy bổ sung những cảnh quan cây cối xung quanh hồ để đảm bảo lượng oxy. Giữ nhiệt độ nước, ngưỡng pH, độ pH duy trì ổn định, tránh sự thay đổi đột ngột dẫn đến sốc làm cá chết. Khi thay nước thì phải thay từ từ chứ không thay đột ngột một số lượng lớn dễ gây sốc cho cá (nên 2 ngày thì thay 1/3 lượng nước cũ trong hồ 1 lần). Có thể bố trí hệ thống bơm, lọc xả nước trong ao.
Nếu ao nuôi vỗ cá bố mẹ thì có thể nuôi chung cá bố mẹ, mật độ 20-25 con/100 m², tỷ lệ đực/cái khi nuôi vỗ là 1/2 hoặc 1/3.
2. CÁCH CHỌN GIỐNG CÁ KOI
Chọn giống cá Koi đẹp tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng người, có nhiều chuẩn về hình thể, màu sắc cá mà người mua chọn lựa. Chọn được cá Koi đẹp đồng nghĩa việc cá bố mẹ đẹp sẽ cho lứa cá con sinh ra đẹp và dễ bán. Những lưu ý sau đây được xem là tiêu chuẩn cơ bản cần phải có khi chọn cá chép Koi.
Cá Koi đẹp phải dáng thon dài, to ở phần đầu và thon gọn dần về phần đuôi, trông mạnh mẽ, vững chắc. Body cá đẹp rắn chắc, bụng không phệ, không ngắt quãng, liền khối.
Khi nhìn vào, cá phải cân xứng, không mập quá mà cũng không ốm hay dài quá bởi như vậy mất cân xứng, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá sau này về độ khủng của kích thước. Đường viền quanh thân thể cá phải thể hiện một đường cong mượt mà, tinh tế. Tỷ lệ đuôi và thân phải chuẩn, tức là phần gốc đuôi không quá mỏng, vai cá không được quá rộng hay bè ngang.
Khi thấy cá có thân hình như ý thì tiếp theo quan sát màu da, màu da cá phải sáng, sạch, mịn và trơn bóng. Da cá đẹp, tốt sẽ tác động đến vẻ đẹp của vảy cá, làm cho vảy cá đều đặn hơn. Không nên chọn con cá mờ nhạt, da tróc vảy, dơ, bám bẩn… sẽ không được xem là cá đẹp, thậm chí có thể con cá này đang mắc bệnh. Vây bơi của cá phải rõ ràng, đuôi cá không được bị lem màu, không nổ đỏ hoặc đen, cuống đuôi dày
Việc quan trọng khi chọn giống cá Koi là màu sắc cá. Cá Koi đẹp một phần nhờ màu sắc rực rỡ của nó, vì vậy màu sắc cá Koi đẹp phải có mảng màu rõ ràng, ranh giới giữa các mảng màu trên thân cá phải có sự tách biệt rõ, không chồng lấn lên nhau, không được pha lẫn lung tung. Dáng bơi của cá Koi cũng phải chú ý, được xem là yếu tố quan trọng khi chọn cá giống, Cá đẹp nhưng dáng bơi xấu thì vẫn không đạt, vì khi bơi cá thể hiện nét đẹp của nó.
Kinh nghiệm của một số người nuôi cá Koi lưu ý, khi chọn cá, nếu chọn và ưng ý cá nào thì chú ý quan sát kỹ cách cá bơi khi bắt đầu và khi kết thúc, bơi cao, bơi thấp như thế nào.Một con cá Koi đẹp chuẩn khi dáng bơi của cá phải đảm bảo bơi thẳng, uyển chuyển, khỏe mạnh trong dòng nước. Có một số trường hợp khi bơi, phần thân cá bị cong lên, bơi nghiêng về một bên, mang cá hở to, méo miệng, dị tật, nên khi chọn cần tránh những con cá có đặc điểm như vậy.
Khi chọn cá Koi làm bố mẹ hay nuôi cảnh, ngoài yếu tố trên, cũng nên chú ý độ thân thiện của cá Koi, nhất là cá trưởng thành. Xem chúng có thân thiện hay nhát khi gặp người hay vật di chuyển quanh hồ. Có thể thả tay gần xuống mặt hồ gần cá xem chúng biểu hiện thế nào. Khi bơi chúng có hòa nhập với đàn không hay tách đàn, bơi lẻ loi một mình.
Tóm lại, khi chọn cá chép Koi làm giống chú ý chọn cá thuần chủng, khỏe mạnh, không bị sây sát, dị hình. Trọng lượng cá tùy thuộc người mua, có thể chọn con 200-300 g/con, cỡ cá 20-30 cm/con. Không lấy cá đực và cá cái trong cùng một lứa.
3. PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH CÁ KOI
Nuôi các chép Koi cho giá trị kinh tế cao, cá dễ nuôi, giai đoạn đầu nuôi ao, khi thành cá thương phẩm chuyển sang giai đoạn nuôi hồ xi măng hay hồ kiếng để bán. Nuôi cá chép Koi thành công, cần chú ý việc phòng và trị bệnh từ khi mới phát hiện. Người nuôi cần phòng và điều trị bệnh cho cá như sau:
Giai đoạn nuôi ao chú ý việc làm ao và xử lý ao trước khi nuôi nhằm ngăn ngừa mầm bệnh từ ao nuôi. Tẩy và dọn ao nuôi kỹ trước khi thả cá, bón vôi CaCO3 (đá vôi) hoặc Ca(OH)2, phơi ao để diệt mầm bệnh. Cá mua rõ nguồn gốc, không bị nhiễm các mầm bệnh. Cá mới bắt về phải được cách ly kiểm dịch. Chọn cá giống khỏe mạnh. Trước khi thả nuôi, tắm cá bằng muối 3% để sát trùng vết thương do vận chuyển.
Cho cá ăn vừa đủ, tránh dư thừa thức ăn làm ô nhiễm nước. Ngăn chặn các loài chim hoang dã và chim ăn thịt làm hại cá. Sử dụng riêng biệt các dụng cụ cho các ao nuôi khác nhau. Trong quá trình nuôi tránh gây sốc cá. Không nuôi chung với các loài cá khác có khả năng mang mầm bệnh. Vệ sinh môi trường nuôi thường xuyên bằng vôi bột tùy theo độ pH của nước ao. Nếu pH dưới 7, bón 2kg vôi/100m³ nước, pH từ 7-8,5 bón 1kg vôi/100m³, bón định kỳ 2-4 lần/ tháng. Pha nước vôi loãng tạt đều ao để tiêu diệt mầm bệnh
Trộn kháng sinh cho cá ăn vào thời điểm giao mùa hoặc trước khi vận chuyển cá. Sử dụng sulphamerazin liều lượng 220 mg/kg cá/ngày hoặc oxytetracyclin 75 mg/kg cá/ngày, cho ăn kéo dài trong vòng 7-10 ngày. Khi cá yếu hoặc có dấu hiệu bệnh ( thường xảy ra khi thay đổi môi trường nuôi), ngâm cá với oxytetracyclin liều lượng 10g/100 lít nước, ngâm liên tục từ 5-7 ngày. Trong quá trình điều trị không nuôi nhốt cá ở mật độ quá cao và ngưng cho ăn trong vài ngày
- Các bệnh thường gặp và cách điều trị
*Tuột nhớt: Biểu hiện: cơ thể cá bị mất nhớt, cứng mình, trắng mắt. Bệnh xảy ra đồng loạt sau vài giờ, cá ít hoạt động nên còn gọi là bệnh ngủ. Bệnh thường xảy ra vào đầu mùa mưa( tháng 4 đến tháng 6) ở mọi lứa tuổi và cỡ cá với tỷ lệ cá chết từ 60-70%. Điều trị: ngâm cá trong nước muối với nồng độ 3-7% khoảng 12 giờ hoặc thay 70% nước và bón vôi để nâng pH nước.
*Lở loét: Biểu hiện: thân cá bị ghẻ tróc, lở loét, trầy da, đốm đỏ, cá bơi lờ đờ, bỏ ăn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi cá với kiểu chết rải rác do môi trường nước xấu, cá bơi va chạm vào nhau, gây tổn thương lẫn nhau. Điều trị: dùng formol với nồng độ 5ml/100 lít nước tắm cho cá, hoặc tắm muối cho cá với nồng độ 1,5kg/20 lít nước, hoặc cho cá ăn kháng sinh oxytetracyclin. Có thể ngâm tetracyclin trong hồ với số lượng 1-2 viên/20 lít nước.
*Phù mang: Biểu hiện: mang cá có mủ, các sợi mang dính lại với nhau, nhiều nhớt, nhạt màu và hoại tử làm cho cá khó thở nên dễ xảy ra chết hàng loạt với tỷ lệ 60-70%, bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh. Điều trị: sục khí mạnh và bỏ bột đồng sunfat 2,5 ppm vào trong hồ, bệnh sẽ tự khỏi sau 24 giờ. Có thể dùng muối, formol, xanh malachite để tắm cho cá
*Đốm trắng: Biểu hiện: da cá hiện lên những đốm trắng. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi cá, gây cho cá khó chịu nhưng không gây chết. Điều trị: dùng muối, formol, xanh malachite để tắm cho cá
*Đường ruột: Biểu hiện: bụng cá bị chướng to, cá bắt đầu chán ăn rồi bỏ ăn hoàn toàn, sau 3-4 ngày thì chết. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và cỡ cá, tỷ lệ chết dưới 5%. Điều trị: cho cá ăn thức ăn trộn với kháng sinh Vime-ciprocin với liều lượng 500g Vime-ciprocin/300kg cá
*Ngoài ra, chú ý các bệnh khác như thối vây đuôi do nhiễm khuẩn và môi trường nước xấu. Bệnh giun sán ở mang, loại trừ bằng cách cho cá tắm trong dung dịch formol và aciflavin( làm theo đúng hướng dẫn trên bao bì). Bệnh viêm mắt, mắt cá bị mờ đục do nấm hoặc ký sinh, dùng kháng sinh điều trị giai đoạn mới phát hiện.
Thụy Du
(Tổng hợp)