Tri thức Việt Nam với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số

Thứ tư - 14/07/2021 05:34 679 0
                                                                                  NGUYỄN TRỌNG CHUẨN
                                                                                  GS.TS.Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Hiện nay, thế giới đang chuyển đổi mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của khoa học  - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, để tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức của cuộc chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, thì khâu đột phá đầu tiên phải được tính đến là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc.
1- 
Theo Ivanov Razumnik (1878 - 1946), nhà triết học và nhà phê bình văn học Nga, người đã tích cực ủng hộ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, thì “trí thức chính là người truyền bá nhận thức”. Nhà triết học và xã hội học Nga P.L.Lavrov (1823 - 1900) cũng cho rằng, “tự thân không một bằng cấp nào có thể biến một người “có học” thành “trí thức” được”. Điều đó có nghĩa rằng, trình độ học vấn cao là cần thiết nhưng chưa đủ để một người được gọi là trí thức. Bởi theo các tác giả trên, bên cạnh trình độ học vấn cao thì khả năng sáng tạo là điều kiện không thể thiếu của người trí thức và điều quan trọng hơn là sự sáng tạo đó phải “hướng đến mục tiêu nhất định và [người ấy phải] tích cực hoạt động để đạt mục tiêu đó”, có nghĩa rằng, đây là điều kiện không thể thiếu để một ai đó trở thành người trí thức. Như vậy, đối với hai tác giả trên, người trí thức phải vừa là người sáng tạo, là người hành động nhằm vào mục tiêu đã định chứ không phải là người chỉ “ngồi trong tháp ngà” để bàn luận suông như có người từng mường tượng về trí thức.

Quan điểm khá phổ biến hiện nay là “trí thức là người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh trí thức phải có kiến thức sâu sắc về một hay nhiều lĩnh vực so với mặt bằng chung hay trình độ hiểu biết chung của mọi người trong xã hội ở từng thời kỳ phát triển nhất định của lịch sử. Đặc biệt, trí thức phải là người có tầm nhìn, có khả năng cảnh báo sớm và năng lực phản biện xã hội đối với những vấn đề trước hết thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu của mình, và rộng hơn nữa, về tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc sống của xã hội, đến vận mệnh của con người, từ đó đề xuất cách giải quyết tốt nhất những vấn đề được đặt ra. Thế cho nên trong lịch sử nhân loại, những trí thức lỗi lạc thường là những người dẫn dắt, những người định hướng, mở lối đi mới cho mọi người trong xã hội. Cùng với những thuộc tính, phẩm chất hay đặc tính sáng tạo, khám phá ra tri thức mới, người trí thức phải là người biết quý trọng, biết giữ gìn, biết truyền bá và từ lĩnh vực chuyên môn của mình, luôn biết phát huy rộng rãi các giá trị văn hóa của dân tộc mình và của cả nhân loại, để đóng góp vào sự phát triển mọi mặt của cuộc sống, từ đó góp phần thúc đẩy sự tiến bộ không ngừng của dân tộc và của xã hội loài người nói chung. Tất cả những đặc tính hay phẩm chất trên cùng với những đóng góp hữu ích cho xã hội làm nên uy tín của người trí thức chân chính, được mọi người ngưỡng mộ, quý trọng và tôn vinh.
Từ cách hiểu về những phẩm chất của người trí thức như vậy, chúng ta cần nhận thức rõ về vai trò và trách nhiệm của trí thức nước nhà trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, trong kỷ nguyên mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ theo hướng tiến bộ làm thay đổi nhanh chóng thế giới về tất cả các mặt, như kinh tế, chính trị, cách thức tổ chức và điều hành xã hội,... và nổi bật hơn cả trong số đó là sự hình thành nền kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số,...
Cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ làm cho cơ cấu xã hội biến đổi và các tổ chức chính quyền nhà nước các cấp tinh gọn hơn, thông minh hơn, hiệu quả hơn. Nói cách khác, cuộc cách mạng này không những làm thay đổi cách quản trị xã hội mà còn làm thay đổi cả cách suy nghĩ, cách ứng xử, lối tư duy của con người, thậm chí cả cách thức, biện pháp tiến hành chiến tranh trong tương lai không xa. Bởi vậy, nếu nước nào chậm trễ và tụt hậu trong cuộc cách mạng mới này thì khoảng cách với các nước phát triển cao sẽ ngày càng doãng rộng ra thêm. Điều này đồng nghĩa với việc các nước đang phát triển và kém phát triển sẽ tụt hậu càng xa hơn nữa so với các nước phát triển. Do vậy, cơ hội để các nước đang phát triển đuổi kịp các nước phát triển sẽ càng trở nên mong manh hơn, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia cũng vì vậy chưa thể nào khắc phục được.
Trong bối cảnh thế giới thay đổi và đứng trước nhiều thách thức như vậy, nếu nước ta muốn rút ngắn được khoảng cách với các nước phát triển và hướng đến mục tiêu năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì khâu đột phá đầu tiên phải được tính đến là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng một cách thật hiệu quả nguồn nhân lực, đặc biệt là phải hết sức tôn trọng nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc. Nói cách khác, muốn cho đất nước phát triển chúng ta phải phát hiện sớm người tài để chọn đúng người tài cho từng lĩnh vực của hoạt động xã hội; phải thật sự trọng dụng người tài; phải biết dùng người tài đúng lúc, đúng chỗ và không kém phần quan trọng là có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với người tài nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho các lĩnh vực sáng tạo khoa học, phát minh, sáng chế, công nghệ, điều hành, quản lý và tổ chức xã hội. Đây chính là phần quan trọng của khâu đột phá trong công tác tổ chức, cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2- Nhìn lại lịch sử nước nhà có thể thấy, dân tộc ta có truyền thống lâu đời là rất quý trọng người hiền tài, quý trọng trí thức. Nhân dân ta đã đúc kết một cách cô đọng và khá sâu sắc về vai trò quan trọng của trí thức bằng khẳng định: “phi trí bất hưng”. Dẫn chứng cụ thể nhất về điều này là nội dung bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (năm 1442) tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Thân Nhân Trung soạn, từng khắc ghi rằng: “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo việc gây dựng nhân tài, bồi đắp nguyên khí”.
Kế tục truyền thống lâu đời coi trọng người hiền tài đó của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta (1946 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc bồi dưỡng, sử dụng trí thức và trọng dụng nhân tài thuộc tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của các tác gia kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Ngày 19-12-1893, trong thư Gửi Đại hội quốc tế các sinh viên xã hội chủ nghĩa, Ph. Ăng-ghen đã nêu ra một luận điểm rất đáng chú ý và cũng là lời nhắn gửi đến các thế hệ sau rằng, trong “sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân còn cần phải có những bác sĩ, kĩ sư, nhà hóa học, nông học và các chuyên gia khác, vì vấn đề là phải nắm lấy việc quản lý không phải chỉ bộ máy chính trị, mà còn cả toàn bộ nền sản xuất xã hội nữa”. Còn theo V.I. Lê-nin, xã hội càng phát triển thì “ngày càng cần nhiều đến tầng lớp trí thức”.
Sau Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần khẳng định rằng, “kiến thiết cần có nhân tài”; rằng, cách mạng “cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc)”; “trong xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng trí thức và thực sự Người đã quy tụ được nhiều trí thức tài ba ở tất cả các lĩnh vực. Dù trong điều kiện cực kỳ gian khổ, thiếu thốn mọi bề không chỉ trong cuộc sống thường nhật mà cả trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng tất cả những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, trọng dụng đều là những người trí thức tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ sự nghiệp trường kỳ kháng chiến, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, để xây dựng nước nhà ngày càng cần nhiều trí thức tốt, Người khẳng định rằng, Đảng và Chính phủ rất quý trọng trí thức của nhân dân, vì nhân dân, đồng thời Người cũng đề ra nhiệm vụ cho Đảng và Chính phủ vừa phải giúp đỡ thế hệ trí thức ngày nay tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới, những trí thức “chính tâm và thân dân”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò quan trọng và vẻ vang của trí thức, những con người vừa hồng, vừa chuyên, nghĩa là vừa có lập trường chính trị vững vàng, vừa giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ ở các lĩnh vực được giao, đồng thời coi phẩm chất hàng đầu của người trí thức là phải “chính tâm” và trách nhiệm người trí thức của nhân dân là phải “thân nhân dân” và “vì nhân dân”, phải “đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Song, Người cũng nhắc nhở rằng, trí thức “thực hiện 2 chữ chính tâm không phải dễ dàng”. Rõ ràng là để cho những người có học vấn cao trở thành trí thức, để họ thực hiện được chính tâm thì cần phải có điều kiện từ hai phía; một là, từ chính bản thân người trí thức và hai là từ phía Đảng và Nhà nước.
Có thể thấy, những điều ông cha ta từng viết cách đây gần 6 thế kỷ và điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cách nay đã hơn 60 năm chúng ta càng thấm thía và hiểu rõ hơn vai trò của người tài, của việc phát hiện, lựa chọn, bố trí, sử dụng, trọng dụng người tài đối với tương lai của đất nước. Do vậy, khâu đột phá chiến lược quan trọng bậc nhất không chỉ lúc này mà còn cả nhiều năm sau nữa vẫn sẽ là đào tạo, bồi dưỡngtuyển chọn, sử dụng, trọng dụng những người tài làm việc cho đất nước, phụng sự nhân dân.
3- Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của trí thức và có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 6-8-2008, của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, là nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.
Ðảng cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức. Nhà nước đã thực hiện các chính sách xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống đào tạo, nghiên cứu; đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và văn nghệ; các chính sách sử dụng và tạo môi trường phát huy vai trò của trí thức; chính sách đãi ngộ, tôn vinh trí thức, lập các giải thưởng quốc gia, phong tặng các chức danh khoa học và các danh hiệu cao quý; thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài... Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khi xác định các đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo (tầm nhìn 2030, 2045), đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao và yêu cầu cần có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài cả trong và ngoài nước, góp phần đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số trong bối cảnh mới.
Có thể thấy, mặc dù còn một số bất cập, nhưng Đảng và Nhà nước đã tạo ra môi trường dân chủ và những điều kiện thuận lợi khác giúp cho đội ngũ trí thức có cơ hội đóng góp ý kiến xây dựng, phản biện đối với nhiều quyết sách quan trọng. Tuy nhiên, để cho môi trường dân chủ phát huy tác dụng hơn nữa, đòi hỏi người trí thức phải có trách nhiệm hơn đối với dân tộc, Tổ quốc. Trách nhiệm đó đòi hỏi trí thức trước hết phải trung thực với nhân dân, với Nhà nước và trung thực với chính bản thân mình. Khi Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi thì không có lý do gì để người có tri thức, có học vấn cao không tự mình phấn đấu, không tiếp tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, trung thực trong khoa học và sáng tạo bằng khả năng và hết khả năng của mình nhằm phục vụ nhân dân và vì sự phồn vinh của đất nước. Do vậy, bất kỳ người nào dù có trình độ học vấn cao nhưng không chính tâmkhông trung thực, không trung thành với dân tộc, với Tổ quốc thì chắc chắn đó là ngụy trí thức và chỉ có hại cho dân tộc, cho đất nước.
Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong kỷ nguyên chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đặt ra yêu cầu cần có lực lượng trí thức đông đảo, nhất là trí thức tinh hoa, thuộc tất cả các lĩnh vực khoa học, từ toán học, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ cho đến khoa học kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn, trong đó các ngành khoa học, như toán học, vật lý học, hóa học, sinh học, công nghệ, vật liệu, kỹ thuật,... phải đóng vai trò chính yếu, là mũi nhọn và phải đi tiên phong. Cho nên, chừng nào chúng ta còn thiếu các trí thức tài ba thuộc những ngành khoa học này thì chừng đó còn khó khăn để có đột phá trong lĩnh vực công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, nghĩa là đất nước chưa thể vươn tới trình độ phát triển cao, chưa thể đưa đất nước phát triển ngang tầm thời đại và rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Bởi vậy, trách nhiệm nặng nề không chỉ đang đặt lên vai đội ngũ trí thức tinh hoa của dân tộc mà còn là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước không chỉ khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng đối với các trí thức tinh hoa, tài ba mà còn cần tạo được môi trường xã hội thuận lợi để trí thức phát huy hết khả năng sáng tạo của mình. Từ Đại hội Đảng từ lần thứ IX đến nay, Đảng ta đều yêu cầu phải coi trọng nghiên cứu cơ bản trong khoa học. Đại hội Đảng lần thứ XI còn yêu cầu cụ thể hơn là cần phải “quan tâm đúng mức nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, theo yêu cầu phát triển của đất nước”. Những yêu cầu ấy cần sự đáp ứng có hiệu quả của trí thức nước nhà trong điều kiện đổi mới vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Những thành quả về nghiên cứu cơ bản của các trí thức trong khoa học sẽ là cơ sở, là tiền đề để chúng ta có thể tiến bước một cách thuận lợi và vững chắc trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiệm vụ này vừa đòi hỏi sự đầu tư đúng chỗ và xứng tầm của Nhà nước, vừa cần sự tâm huyết hết mực và khả năng sáng tạo cao độ của đội ngũ trí thức, nhất là trí thức tinh hoa trong các ngành nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. 
Bên cạnh đó, các khoa học kinh tế, triết học, các khoa học xã hội và nhân văn khác cũng giữ vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Chính các ngành khoa học này có trách nhiệm hết sức nặng nề là giữ vai trò điều tiết sao cho các phát minh khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và việc sử dụng chúng mang tính nhân văn cao cả. Bởi vì, suy cho đến cùng, các phát minh, sáng chế cùng với các sáng tạo kỹ thuật và đổi mới công nghệ đều có sứ mệnh cao cả là phục vụ con người, giúp cuộc sống con người ngày càng tốt hơn, giá trị hơn và có ý nghĩa hơn. Do đó, tất cả các ngành khoa học trong thời đại chúng ta và trong tương lai đều có trách nhiệm tạo nên sự cân bằng, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, để các phát minh, sáng chế và sáng tạo công nghệ mới không trở thành gánh nặng hay trở thành “kẻ thống trị” của con người.
Tuy nhiên, lịch sử phát triển của khoa học và công nghệ thế giới từ trước đến nay đều cho thấy, bên cạnh việc mang lại lợi ích vô cùng to lớn thì những phát minh, sáng chế cũng có thể đem đến những rủi ro cho con người, như khiến một số lao động mất việc làm khi các dây chuyền sản xuất mới được hiện đại hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Sự xuất hiện ngày càng nhiều loại người máy thông minh đảm nhận được nhiều chức năng thay thế cho con người trong nhiều hoạt động. Song, điều đáng ngại hơn cả là các phát minh, sáng chế và sự đổi mới công nghệ ấy cũng có thể bị lợi dụng, gây ra những điều không mong muốn, thậm chí hủy hoại chính cuộc sống của con người. Nhà bác học A. Anh-xtanh (Albert Einstein) (1879 - 1955) từng viết: “Những gì mà tinh thần sáng tạo của con người trong những thế kỷ vừa qua ban tặng cho chúng ta, đã có thể tạo ra một cuộc sống thanh thản và hạnh phúc, giá như sự phát triển về mặt tổ chức có bước tiến đồng thời với sự phát triển về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, những gì đã đạt được một cách khó nhọc đang nằm trong tay thế hệ chúng ta, lại giống như lưỡi dao cạo trong tay đứa trẻ lên ba. Sở hữu về tư liệu sản xuất kỳ diệu không mang lại hòa bình, mà chỉ mang đến những lo âu và đói khổ. Tiến bộ kỹ thuật đã gây những tác động tồi tệ nhất ở nơi mà nó cung cấp các phương tiện để hủy diệt cuộc sống con người và để phá hủy các công trình của con người được tạo ra bằng lao động vất vả”. Cũng chính vì thế mà có lúc A. Anh-xtanh đã tỏ ra ân hận rằng nếu biết trước phát minh của ông được ngành công nghiệp quốc phòng dùng để chế tạo ra bom nguyên tử với sức hủy diệt, sức công phá ghê gớm và gây chết người hàng loạt như đã xảy ra thì ông đã không công bố nó. Ông đã nêu lên một vấn đề về đạo đức khoa học rất đáng suy ngẫm khi viết: “Sự suy đồi đạo đức đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của nền văn hóa của chúng ta, thậm chí về sự sinh tồn của chúng ta”. Bởi vậy, ông cho rằng,  “không có “văn hóa đạo đức” thì không thể có sự cứu vãn cho nhân loại”.
Đó là những cảnh báo chính xác của A.  Anh-xtanh về trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, của các trí thức trước vận mệnh không chỉ của mỗi con người, của toàn thể nhân loại hiện tại và tương lai mà còn đối với cả môi trường thiên nhiên đang nuôi dưỡng chính con người. Đây cũng là nhiệm vụ mà các nhà khoa học xã hội và nhân văn phải gánh lấy để bằng tất cả khả năng và chức năng cảnh báo của mình làm cho đạo đức khoa họcvăn hóa đạo đức có thể thấm sâu vào tư duy của các nhà khoa học, sao cho các phát minh, sáng chế, những đổi mới công nghệ không bị lợi dụng để gây nên hậu quả tồi tệ cho loài người và giới tự nhiên.
4- Hiện nay, đội ngũ trí thức còn có trách nhiệm cao cả khác là phản biện xã hội. Một xã hội không có sự phản biện, không biết tiếp nhận sự phản biện có căn cứ, có lý lẽ vững chắc, có cơ sở khoa học đủ sức thuyết phục và mang tính xây dựng là một xã hội trì trệ. Một xã hội biết chấp nhận những phản biện mang tính xây dựng, có căn cứ khoa học vững chắc là một xã hội có tiềm năng và có điều kiện để phát triển. Trong khoa học cũng như trong cuộc sống, phản biện mang tính khoa học là cách lật lại vấn đề nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, đủ căn cứ khoa học để khẳng định một điều gì đó là đúng nên làm; những gì chưa thật đúng cần bổ sung, sửa chữa; những gì hoàn toàn không đúng cần phải kiên quyết loại bỏ. Tuy nhiên, không phải lúc nào các ý kiến phản biện cũng đều được lắng nghe và được các cấp có thẩm quyền chấp nhận và thực tế đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Đối với một nhà khoa học chân chính và trung thực thì phản biện một cách khoa học, có căn cứ và có lý lẽ vững vàng mang tính xây dựng là dấu hiệu của người trí thức. Bởi, thời nào cũng vậy, trí thức là người biết phản biện và dám phản biện.
Những chỉ dấu trên đây đều đúng với tất cả trí thức ở tất cả các lĩnh vực khoa học nhưng càng đúng hơn nữa với trí thức thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Chúng ta muốn đổi mới toàn diện đất nước thì phải tiếp tục chú trọng đổi mới tư duy lý luận như đã từng làm từ đầu thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay. Bởi vì, theo Ph.  Ăng-ghen, năng lực tư duy nói chung và tư duy lý luận nói riêng “chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi. Năng lực ấy cần phải được phát triển hoàn thiện”. Điều đó cũng có nghĩa rằng, tư duy nói chung, và tư duy lý luận nói riêng, không phải là cái bất biến mà thực ra ngày càng tiếp cận chân lý. Nó không chỉ phụ thuộc vào bộ não của con người, mà điều quan trọng hơn là sự vận động và phát triển của nó diễn ra cùng với sự vận động và phát triển của hiện thực, của thực tiễn xã hội sống động. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà Ph. Ăng-ghen đã từng khẳng định rằng, “tư duy lý luận của mỗi thời đại, cũng có nghĩa là cả thời đại chúng ta, là một sản phẩm của lịch sử mang những hình thức rất khác nhau trong những thời đại khác nhau và do đó có một nội dung rất khác nhau”. Thời đại đang có những biến động nhanh chóng và rất khó lường, cho nên rất cần đến tư duy khoa học, trong đó có tư duy phản biện. Triết học biện chứng duy vật có vai trò, có khả năng và có trách nhiệm nâng tầm tư duy biện chứng của trí thức nói riêng và của xã hội nói chung trong quá trình đổi mới đất nước để chúng ta đi vào cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo một cách thuận lợi nhất.
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân Việt Nam đều có nghĩa vụ và trách nhiệm góp phần vào sự nghiệp khó khăn nhưng vô cùng vẻ vang ấy. Tuy nhiên, để từng bước tiến hành có kết quả và đến đích thành công trong cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo thì đội ngũ trí thức giữ vai trò và trọng trách nặng nề nhất. Đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay với tư cách là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt và mang trên vai sứ mệnh cao cả, cần phát huy tốt hơn nữa khả năng của mình để xứng đáng với truyền thống vẻ vang, góp phần nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
                                                                                                                                     N.T.C
                                                                                                                    Nguồn: Tạp chí Cộng Sản
                                                                                                                       (Số 960 - Tháng 2.2021)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây