Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 năm 2018-2019: Phát huy, ứng dụng hiệu quả các giải pháp đạt giải vào thực tiễn cuộc sống

Thứ năm - 15/07/2021 03:47 162 0
Dàn gieo hạt (Phạm Văn Hùng - huyện Tân Châu) giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019)
Dàn gieo hạt (Phạm Văn Hùng - huyện Tân Châu) giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018-2019)
          Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 năm 2018-2019 có 129 giải pháp dự thi ở các lĩnh vực gồm: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông lâm thủy sản, tài nguyên và môi trường; y dược; giáo dục và đào tạo; tổ chức - quản lý. Qua đó có 29 giải pháp đạt giải. Các giải pháp tham gia hội thi đều phải chứng minh được khả năng áp dụng trong thực tiễn, vì thế sau một năm đạt giải, 100% các giải pháp đều được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, thông qua hoạt động tuyên truyền quảng bá và chuyển giao công nghệ.
          Nhằm cung cấp thông tin về  Hội thi, góp phần trao đổi thông tin và hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc ứng dụng các thành quả lao động sáng tạo, Ban tổ chức đã biên soạn và phát hành 500 quyển “Kỷ yếu Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 năm 2018-2019”; phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Tây Ninh viết tin bài, ghi hình, dựng phim tài liệu để giới thiệu các giải pháp đạt giải. Nhiều bài viết sau đó đã được các báo online, báo mạng chia sẻ, đăng tải như: giải pháp Dàn gieo hạt (Phạm Văn Hùng- Giải Ba Hội thi Sáng tạo toàn quốc); Máy thu hoạch mía cắt khúc (Trần Quốc Hải- Giải Khuyến khích toàn quốc); Quy trình sản xuất nấm mối đen (Lê Thanh Liêm- Giải Nhì Hội thi tỉnh Tây Ninh); Máy phân lường thức ăn tự động cho ba ba (Phan Hữu Trí- Đỗ Hoàng Phúc- Giải Ba); Tời cuốn và thu hồi dây cáp (Điện lực Tân Châu- Giải Ba); Bộ điều khiển tự động nhà Yến(Bùi Phước Vinh - Giải Ba); Thùng xử lý rác hữu cơ hộ gia đình (Nhóm tác giả Trung tâm KH&CN- Giải Khuyến khích); Làm phân hữu cơ bằng lục bình và xơ dừa (Nhóm tác giả Trường THPT Hoàng Văn Thụ- Giải Khuyến khích); Giải pháp trải nghiệm cho học sinh tiểu học (Nguyễn Thị Thùy Dương - Trường TTC…). Sở Khoa học và Công nghệ- thành viên Ban tổ chức Hội thi chỉ đạo Trung tâm KH&CN thuộc Sở chuyển giao giải pháp “Thùng xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt hộ gia đình có bổ sung chế phẩm EM” cho Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn và các Phòng Kinh tế hạ tầng trong tỉnh; Giới thiệu một số tác giả đạt giải cao và có sản phẩm là thiết bị kỹ thuật tham gia các triễn lãm, chợ công nghệ và thiết bị (Giải pháp “Dàn gieo hạt” của Phạm Văn Hùng tham gia “Techfest Đông Nam bộ” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, đạt giải ba cuộc thi “Sáng tạo trong tầm tay” trong khuôn khổ của Techfest)…Bên cạnh đó Liên hiệp Hội Tây Ninh còn giới thiệu tác giả Bùi Phước Vinh tham gia xét chọn và được tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng.
nammoiden
Mô hình trồng nấm mối đen hữu cơ ở Nông trại Quê hương
(Gò Dầu) giải Nhì Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 (2018-2019)

           
toantieuhoc
Ứng dụng tổ chức hoạt động cho học sinh tiểu học của Trường TH-THCS-THPT TTC từ đề tài đạt giải Ba
​​​​​​Hội thi Sáng tạo KHKT tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 (2018-2019) của cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương

           Ngoài ra BTC Hội thi; các địa phương, đơn vị có giải pháp đạt giải, và ngay chính tác giả đã có những hoạt động tích cực để chuyển giao công nghệ, ứng dụng giải pháp. Trong số 29 giải pháp đạt giải có 9 giải pháp thuộc lĩnh vực giáo dục đã được ứng dụng trong các trường học trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; 01 giải pháp do nhóm tác giả Điện lực Tân Châu sáng tạo (Tời cuốn và thu hồi dây cáp) đã được ứng dụng trong ngành điện của tỉnh; còn lại 19 giải pháp thuộc lĩnh vực sáng tạo kỹ thuật, mô hình sản xuất đã được phát huy, ứng dụng hiệu quả. Hội Nông dân các xã Phước Vinh, Phước Minh, Thạnh Đức, Phước Chỉ … nhân rộng các mô hình đạt giải. Qua tuyên truyền phổ biến, giới thiệu các giải pháp đạt giải Hội thi, có nhiều giải pháp không chỉ người dân trong tỉnh quan tâm tìm hiểu, ứng dụng mà một số doanh nghiệp, nông dân ngoài tỉnh cũng đã liên hệ tác giả để tìm hiểu về giải pháp và mua sản phẩm (tuy nhiên sản phẩm, thiết bị bán ra chưa nhiều do nhu cầu và điều kiện áp dụng vào sản xuất ở từng địa phương khác nhau như địa hình, thổ nhưỡng, tập quán canh tác…).

              Tại Tân Phú, anh Phạm Văn Hùng (tác giả Dàn gieo hạt - Giải Ba toàn quốc) đã đưa chúng tôi đi xem hiện trường máy đang hoạt động ở nhà 01 người mua máy ở xã Suối Dây và ruộng bắp 01 tháng tuổi được gieo bằng Dàn gieo hạt, bắp lên rất đều và xanh tốt. Anh cho biết đã bán được hơn 10 chiếc cho các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh, được đánh giá cao; từ sản phẩm này và các hoạt động tích cực khác anh cũng đã được tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020” lĩnh vực phát minh, sáng chế do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng. Anh Hùng nói thêm là  nếu ngân hàng hỗ trợ cho nông dân vay vốn mua máy (chỉ cần sau 01 năm là có thể thu hồi vốn qua việc sử dụng máy để hợp đồng gieo hạt) thì anh tin hiệu quả ứng dụng sẽ lớn hơn.
Cũng ở Suối Dây, (Tân Châu), chúng tôi đã gặp anh Trần Quốc Hải và Trần Quốc Thanh (tác giả “Máy thu hoạch mía cắt khúc”). Không thật sự hài lòng vì dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động thu hoạch mía thuê cho nông dân, nhưng anh cũng đã kịp hoàn thành hợp đồng thu hoạch cho công ty TTC 1000 tấn mía cây; thu được kết quả bước đầu khả quan và được công ty cũng như nông dân tin tưởng tính năng hiệu quả và vui vẻ sử dụng máy.
Anh Nguyễn Hải Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Máy móc - thiết bị Ánh Dương, tác giả của “Máy sấy nông sản thực phẩm Ánh Dương sử dụng năng lượng mặt trời” cung cấp thông tin cho chúng tôi: Công ty đã bán được máy cho nhiều tỉnh thành trong cả nước. Gần đây nhất là cung cấp cho 01 hộ nông dân ở Nam Trà My (Quảng Nam) dùng sấy sản phẩm thuốc Nam; Công ty TNHH Ban Mai Xanh máy AD4 năng lượng mặt trời full inox; Công ty TNHH Dừa Định Phú máy AD2 năng lượng mặt trời…Hiện tại những khách hàng của công ty rất hài lòng về máy sấy năng lượng mặt trời do đáp ứng được nhu cầu về sấy cũng như tiết kiệm nhiên liệu trong sản xuất.
           Vế ấp Bến Mương (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu), hỏi thăm “Nông trại Quê hương” hầu như ai cũng biết vì đây là mô hình điểm của Hội Nông dân xã. Tiếp chúng tôi tại nông trại, tuy diện tích nhỏ và còn đơn sơ nhưng hoạt động lại rất hiệu quả; Chú Lê Thanh Liêm - tác giả của giải pháp “Quy trình sản xuất nấm mối đen hữu cơ (Giải Nhì)” vui vẻ nói: “Nhờ ứng dụng giải pháp sản xuất meo giống và trồng nấm, nông trại Quê hương xuất phôi nấm cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận (đến tận tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 50.000 phôi nấm/ tháng. Nấm trồng và thu hoạch tại nông trại cũng có nguồn tiêu thụ ổn định với giá cao. Nhiều đoàn đã đến tham gia học tập kinh nghiệm quy trình sản xuất nấm mối đen tại nông trại”. Chú Liêm khẳng định, nấm mối được sản xuất theo quy trình hữu cơ, đảm bảo sạch và còn có tác dụng chữa trị một số bệnh theo Đông y; hiện nay nông trại Quê hương đang có hướng chuyển giao “Quy trình sản xuất nấm mối đen hữu cơ “ra các tỉnh phía Bắc.
           Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, chị Lê Hồng Linh- tác giả giải pháp “Xây dựng ứng dụng trên hệ điều hành Android giúp người cầu cứu khi gặp nạn” (Giải Ba) cho biết, ứng dụng đã triển khai và sử dụng tại 02 trường (THPT Hoàng Văn Thụ và THPT Lê Hồng Phong) với 700 người sử dụng thử nghiệm (trong đó có 308 người rất hài lòng về hiệu quả sử dụng, 373 người hài lòng và 19 người không hài lòng). Ngoài ra ứng dụng cũng đã được triển khai sử dụng cho mọi người, mọi lứa tuổi khác nhau trong gia đình, người thân quen, những người có nhu cầu sử dụng ứng dụng thông qua sự giới thiệu của bạn bè, người thân…và đã giúp họ giải nguy trong nhiều tình huống khẩn cấp cần được giúp đỡ. Cũng từ giải thưởng của Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh, chị đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp “Bằng Lao động sáng tạo” và được UBND tỉnh xét trao tặng bằng khen “Điển hình tiên tiến tỉnh Tây Ninh làm theo lời Bác”.
Tham quan Doanh nghiệp KH&CN Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh, anh Bùi Phước Vinh - Phó Giám đốc công ty, tác giả giải pháp “Bộ điều khiển tự động nhà Yến” (Giải Ba) chia sẻ: “Doanh nghiệp nuôi chim Yến chủ yếu để lấy sản phẩm nghiên cứu chế biến dược phẩm; việc sáng tạo và ứng dụng giải pháp đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí do tinh giản thiết bị, tiết kiệm đầu tư máy và giảm công lao động trong quản lý, tăng năng suất tổ Yến, từ đó giảm giá thành sản xuất dược phẩm”. Hiện nay, anh và đơn vị đã hoàn thiện “Bộ tự động điều khiển nhà Yến” nhằm mục đích để cho từ nhân viên, chuyên viên kỹ thuật cho đến nhà nông không có nhiều kiến thức về điện tử, internet…đều có thể sử dụng dễ dàng, đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp. Giải pháp được sử dụng ổn định, áp dụng thành công và đã có đơn vị chuyên thi công lắp đặt nhà Yến chuyên nghiệp ký hợp đồng thu mua để lắp đặt đại trà.
           Ứng dụng thành công nhất có lẽ là giải pháp “Phát triển khả năng vận dụng toán tiểu học vào thực tiễn thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 5” (Giải Ba). Cô Nguyễn Thị Thùy Dương- tác giả giải pháp vui vẻ thông báo: “Sau khi đạt giải, Dương đã được tuyển dụng vào vị trí Phó Hiệu trưởng trường TH - THCS - THPT TTC Tây Ninh và được đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai giải pháp này”. Trong năm học 2019-2020, Trường đã áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 thực hiện 13 chuyến cho gần 200 học sinh tham gia với 82 tiết học trải nghiệm bên ngoài nhà trường như: Công viên 30.4, Công viên Xuân Hồng, Tòa Thánh Tây Ninh, siêu thi Coop - mart, mái ấm Mây ngàn, núi Bà Đen, Bảo tàng Tây Ninh, Xí nghiệp giấy Hoàng Gia…; đặc biệt là một chuyến trải nghiệm hướng nghiệp tại Khu du lịch Kizcity - TP.Hồ Chí Minh với 195 học sinh. Từ thành công trên, Trường và cô Thùy Dương đã phát huy và triển khai thực hiện cho năm học mới 2020-2021 với việc bổ sung thêm nhiều địa điểm thể nghiệm mới với 130 tiết/ năm học ở tất cả các môn học trong chương trình tiểu học dành cho gần 300 học sinh tham gia.
Ứng dụng hiệu quả không kém là giải pháp “Thùng xử lý rác hữu cơ sinh hoạt hộ gia đình có bổ sung chế phẩm EM” của nhóm tác giả Trung tâm Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở KH&CN Tây Ninh). Sau khi giải pháp đạt giải và hoàn thiện, Trung tâm KH&CN Tây Ninh đã kết hợp với Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn, các Phòng Kinh tế Hạ tầng thành phố, huyện, thị triển khai nhân rộng. Đến nay, thiết bị đã và đang được triển khai ứng dụng để xử lý rác thải sinh hoạt (hữu cơ) trên địa bàn của 26 xã, phường, thị trấn thuộc TP. Tây Ninh, huyện Dương Minh Châu, huyện Gò Dầu, huyện Bến Cầu, huyện Tân Châu, huyện Châu Thành và thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng; tập huấn cho gần 1000 hộ dân, triển khai hơn 250 thùng xử lý rác với gần 2.500 lít chế phẩm. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, các hợp tác xã thu mua nông sản, các cơ sở chế biến rau củ quả… để triển khai ứng dụng rộng rãi hơn mô hình này trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
           Các giải pháp khác như: Máy lặt đậu phộng (Lê Văn Hường, Nguyễn Tiến Dũng - huyện Dương Minh Châu), Máy tuốt đậu phộng (Lê Thành Phương, Đặng Quang Viên - huyện Tân Biên), Máy trỉa bắp (Nguyễn Văn Dũng - huyện Bến Cầu), Kỹ thuật trồng, chăm sóc cho ra măng nghịch mùa (Nguyễn Văn Nghĩa - huyện Châu Thành), Máy phân lường thức ăn tự động cho ba ba (Phan Hữu Trí, Đỗ Hoàng Phúc - huyện Dương Minh Châu), Mô hình máy xúc lúa (Huỳnh Thanh Ngô - Thị xã Trảng Bàng), Làm phân hữu cơ bằng lục bình và xơ dừa (nhóm tác giả Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Châu Thành)…vẫn đang được áp dụng hiệu quả, phát triển hộ kinh tế gia đình và được nhiều hộ nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm, thuê máy...
           Có thể nói, các giải pháp dự thi được hình thành từ thực tế học tập, nghiên cứu, lao động và sản xuất nên mang tính thực tiễn, có tính sáng tạo, có hiệu quả kinh tế xã hội cao, đã và đang được áp dụng vào sản xuất và đời sống tại địa phương các tác giả đang sinh sống và làm việc. Trong tổng số 29 giải pháp đạt giải Hội thi, tỷ lệ ứng dụng đạt 100% và tỷ lệ ứng dụng rộng rãi (có sản phẩm bán ra thị trường, có nhân rộng mô hình, có chuyển giao công nghệ…) đạt khoảng 50%. Điều khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để tăng cường, khuyến khích ứng dụng giải pháp sáng tạo kỹ thuật đạt giải. Việc ứng dụng chủ yếu là do tác giả tự tiếp thị, tự quãng bá để đưa giải pháp sáng tạo vào thị trường; đặc biệt là các giải pháp thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp do chính người lao động sáng tạo ra. Mặt khác, các giải pháp sáng tạo đều hữu ích nhưng phần lớn hàm lượng khoa học kỹ thuật không cao, chủ yếu phục vụ cho các tổ chức, cơ sở, hộ gia đình; chưa đủ điều kiện làm hồ sơ, thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế. Những tồn tại ấy, Ban Tổ chức Hội thi đang tích cực tìm kiếm biện pháp khắc phục để Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 12 (2020-2021) mang lại hiệu quả ứng dụng cao hơn.
                                                                                                        ThS. Lê Ngọc Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây