Tên gọi của đề án và phạm vi điều chỉnh của đề án
Tên của Đề án và nội dung của Đề án chỉ đề cập đến “Các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội sau cấp phép” là chưa đủ, mà cần phải mở rộng thêm có các giải pháp tăng cường quản lý cả việc tổ chức của các hội, vì công tác quản lý nhà nước về việc tổ chức, thành lập của các hội trong thời gian vừa qua cũng còn nhiều bất cập, hạn chế; nên cần có các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội nói chung, không chỉ quản lý hoạt động của các hội sau cấp phép.
Đánh giá thực trạng tổ chức của các hội
Tại trang 5 và 6 của Dự thảo Đề án đánh giá về thực trạng tổ chức của các hội trong những năm qua, nhưng mới chỉ nêu liệt kê số lượng các hội được thành lập mà chưa đánh giá những ưu điểm, hạn chế, bất cập trong việc tổ chức, thành lập của các hội này. Đề nghị cần bổ sung thêm nội dung đánh giá thực trạng việc tổ chức, thành lập của các hội trong những năm qua, nêu những mặt đã làm được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong việc tổ chức, thành lập các hội để từ đó có các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý của Nhà nước về vấn đề này.
Các nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong hoạt động của các hội
Với các nguyên nhân đã nêu trong Dự thảo cần bổ sung thêm một số nguyên nhân như công tác phổ biến, tuyên truyên pháp luật có liên qua đến hoạt động của các hội còn hạn chế, nên nhiều hội không biết, không hiểu đầy đủ pháp luật để thực hiện.
Có không ít hội ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật có liên quan; thậm chí có một số hội còn lách luật để hoạt động.
Các cơ quan chức năng chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát các hội thực hiện pháp luật; khi phát hiện vi phạm pháp luật còn lúng túng, nể nang trong việc xử lý.
Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về hội và ban hành Luật về hội
Một số nghị quyết, văn kiện của Đảng có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các hội được ban hành từ lâu nhưng chưa được các cơ quan chức năng của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, đầy đủ thành văn bản pháp luật để thực hiện, như Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính Trị về hội quần chúng; Nghị quyết số 39 - NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính Trị về tinh giản biên chế….Nghị quyết số 18 - NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, v v …. Đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm thể chế hóa, ban hành văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các hội kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc xây dựng, ban hành Luật về hội quá chậm, từ những năm 2004, 2005 Chính phủ đã tổ chức soạn thảo và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, do còn một số vấn đề ý kiến còn khác nhau nên Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội và đến năm 2016 Chính phủ đã trình lại Quốc hội cho ý kiến một lần nữa, nhưng có một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội đã giao lại cho Chính phủ tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa trình lại Quốc hội. Đề nghị Bộ nội vụ và các bộ ngành có liên qua khẩn trương nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật về hội để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua để làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của các hội.
Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của các hội
Đề nghị cần phân công, phân cấp cụ thể cho các bộ ngành, các cấp chính quyền quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành và phạm vi lãnh thổ quản lý của chính quyền địa phương. Theo đó hoạt động của các hội liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ ngành nào thì giao cho bộ ngành đó chủ trì quản lý hoạt động của các hội đó; còn ở địa phương thì các hội hoạt động ở phạm vi địa phương nào thì Ủy ban nhân dân của địa phương đó thực hiện quản lý nhà nước và các sở, phòng, ban trực tiếp giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước đối với hoạt động của các hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách; định kỳ hằng năm báo cáo với cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp về tình hình hoạt động của các hội.
Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hội trong phạm vi cả nước, giúp Chính phủ chủ trì quản lý nhà nước về tổ chức, thành lập các hội; phối hợp với các bộ ngành quản lý nhà nước về hoạt động của các hội và làm báo cáo tổng hợp về công tác quản lý nhà nước đối với hội để báo cáo Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác.
Kiến nghị, đề xuất
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật về hội theo ý kiến của Bộ Chính Trị và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2021. Không nên sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP nữa vì không phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân phải được thể hiện trong Luật, thì mới phù hợp với khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013.
Nguồn tin: Vusta