NÔNG DÂN TÂY NINH THỜI 4.0

Thứ tư - 18/03/2020 14:46 190 0
vườn rau thủy canh của anh Hùng
vườn rau thủy canh của anh Hùng
Mấy đời lam lũ cùng làng quê, xoay quanh lúa, đậu, mì mãi nên mỗi khi ai nhắc đến nghề nông là hình ảnh cha với áo tơi nón lá, ngày hai buổi vất vả trên ruộng lúa lại hiển hin rõ trong tôi, với chiếc cuốc trên vai nghiêng bóng trở về trong khói lam chiều bảng lãng quanh xóm; là dáng mẹ tất bật với buổi cơm bên hàng hiên, tranh thủ những tia nắng cuối mà tiết kiệm nửa chong dầu. Những lúc nông nhàn thì tâm tư cha gởi vào mưa nắng, ngày ngày dõi mắt ra cánh đồng xem mùa lũ lớn hay nhỏ. Khi con sông Vàm Cỏ Đông tràn bờ, ba ước lượng phù sa về nhiều hay ít mà chuẩn bị giống lúa ngắn hay dài ngày cho mùa kế tiếp. Nói là nhàn để chỉ cánh đồng đã ngập nước, chứ người nông dân thì có ở không bao giờ. Sáng chiều cùng mẹ bên những luống dưa, cà cho mâm cơm gia đình, phần còn lại tặng qua lại giữa những nhà trong xóm. Những hình ảnh này cùng tiếng gà ban trưa và bước chân trâu cuối ngày đã hình thành nên nếp nghĩ, mỗi khi nghe ai nhắc đến hai chữ "Nghề nông" là tự động bật lên. Có lẽ vì thế mà sáng nay giữa thành phố Tây Ninh được một người bạn giới thiệu Hùng ở ấp Giồng Tre, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh nông dân giỏi của tỉnh, bắt tay mà cứ ngỡ anh đùa: Áo trắng tinh bó gọn vào quần, viết giắt trên túi áo, chân đi giày, kính mắt thời trang, mái tóc gọn gàng... Từ phong cách cho đến giọng nói toát lên dáng vẻ của một người tri thức hoặc cán bộ văn phòng.
- Hùng chắc là chủ vườn cao su - Tôi rụt rè suy đoán.
Thành thật đến nghiêm túc, câu trả lời của Hùng lại gây nhiều hoang mang cho tôi.
- Em là nông dân trồng rau sạch.
Tôi hình dung Hùng phải là Giám đốc nông trường, nhưng không chỉ mình anh với hàng chục ngàn mét vuông đất canh tác...
- Trực tiếp chăm sóc sao chẳng chút bùn đất?
Như chợt hiểu Hùng cười rồi giải thích:
- Em làm rau thủy canh, nên đâu có đất.
Mấy đời làm nông, tôi thật khó hình dung việc trồng rau mà không có đất!
Như hiểu suy nghĩ của tôi, Hùng mời tôi tham quan trang trại trồng rau của mình. Tôi bước ra  định lấy nón bảo hiểm thì anh ra hiệu đi cùng xe với anh. Và ngạc nhiên chưa? Anh "Nông dân" trở đầu chiếc xe bốn chỗ thật gọn, thật êm lao về hướng núi, chưa đầy hai mươi phút là đến nơi. Xe qua cổng anh mời tôi vào tham quan nhà kính trồng rau.
Bước qua cửa là những giá để giày dép, chỉ đi chân trần bước vào bên trong. Tiếng motuer điện lôi cuốn tầm mắt vào một hàng bốn hồ nước được tạo oxy nuôi cá. Mỗi hồ bảy ngàn lít nước nuôi một ngàn cá diêu hồng. Đối diện là màu xanh của rau cải được trồng trên những hàng vỉ thẳng tắp đặt trên mặt hồ được xây dọc gần hết chiều dài của nhà kính. Cuối nhà kính là hai hàng kệ để ươm cây con, trước khi đưa vào hệ thống thủy canh. Theo sự thuyết minh của Hùng, hai hồ nuôi cá với dung lượng mười bốn ngàn lít nước sẽ liên thông có điều tiết với hồ thủy canh khoảng hai trăm sáu chục mét vuông. Bốn hồ và hai bể nước tạo thành hai dòng tuần hoàn. Cá được nuôi bằng thức ăn, nước từ hồ cá qua xử lý loại bỏ chất rắn, được đưa qua bể nuôi rau. Khi nước được rau hút hết dinh dưỡng sẽ trở về bể nuôi cá, thế là xong một dòng tuần hoàn khép kín. Cái hay là quá trình sản xuất không sử dụng phân hoá chất và tuyệt đối không thuốc bảo vệ thực vật. Còn rau sẽ được gieo hạt vào các giá thể nhỏ nuôi trong mười lăm ngày rồi đưa vào các giá thể lớn của các vỉ đặt trên các hồ. Bộ rễ được nuôi trong nước khoảng hai mươi tám ngày thì thu hoạch. Thường rau được gieo làm bốn đợt để mỗi tuần thu hoạch một lần. Bước đi thật sạch sẽ giữa các lối được lót bạt nilon, ngạc nhiên biết bao với mô hình Aquaponics quy mô hộ gia đình, mà không thể bật ra câu hỏi:
- Thế thu nhập như thế nào?
Hùng cười: rau sạch giá cao mỗi tuần em thu hơn một trăm kí, còn các chi phí khác tiền bán cá đã có dư.
- Hùng trồng quanh năm à?
- Anh thấy đó, nhà kính thì không phụ thuộc thời tiết, nên trồng quanh năm.
Trên đường tìm đến địa chỉ để học về cách làm nông nghiệp mới, tôi không khỏi chạnh lòng nhớ về nỗi vất vã của cha mẹ khi xưa để tìm ra con cá, cây rau nuôi mình khôn lớn, thật chẳng sai với câu ca dao:
Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
kiếm nơi khuất tịch thiếp ngồi thở than
than vì cây lúa lá vàng
nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa
trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô, huệ héo khổ chưa hỡi trời!
Quanh co cuối cùng cũng đến thêm một nơi cần đến, đó là ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Anh đón tôi với tư thế nhâm nhi bình trà trước nhà kính, phong cách nông dân thật dễ bắt chuyện. Không rào đón, anh vô thẳng vấn đề:
- Cả nhà tôi khá lên nhờ mô hình canh tác mới.
- Thế nhà anh có mấy người? Chăm sóc bao nhiêu nhà kính?
- Tôi có ba con đã lập gia đình, hiện cả nhà có gần chục nhà kính.
Sẽ rất ngạc nhiên nếu tôi chưa tham quan nhà kính của Hùng, nhưng cũng thắc mắc về nguồn vốn đầu tư.
- Đầu tư nhà kính loại này khoảng bốn trăm triệu, được nhà nước tài trợ 40%, tôi chuyên trồng dưa lưới 75 ngày thu hoạch 1 lần, 1 năm 4 lần bán, coi như thu hồi được vốn. Đầu tư tiếp cái thứ hai và chỉ trong 3 năm là tôi có cơ ngơi bây giờ.
Thật choáng ngợp trước từng hàng dưa lưới thẳng tấp, cao quá đầu người, bên dưới có ống nước chạy dọc toàn bộ nền phủ bạt nilông, không một cọng cỏ. Mỗi gốc dưa được nuôi trong từng bịch đất dinh dưỡng, có vòi nước tưới riêng cho từng gốc từ hai đường ống song song; nối kết các ống nước với nhau có thể tưới một lần cho cả vườn, hoặc từng hàng riêng từ một hồ nước dự trữ sẵn. Trên dàn, dưới đất, dưa lưới lúc lỉu, no đầy, đẹp mắt.
Nâng ly trà với những lời cảm ơn, mà không thể không nói lên thắc mắc của lòng mình:
- Cái làm nên sung túc, khá giả cho gia đình, sao không cố giữ riêng mà lại chia sẻ, anh không sợ cạnh tranh à?
Nụ cười hiền như trải lòng, anh bảo được như hôm nay là nhờ chính sách nông thôn mới của nhà nước, được học nghề lại được giúp vốn, vậy nên giúp người khác được như mình cũng là nghĩa vụ.
Từ giã ra về, đến đoạn cua quanh tôi dừng xe nhìn lại khu nhà kính ẩn mình bên góc vườn cao su. Thật không thể tưởng một nền nông nghiệp không cần cày, bừa mà vẫn có sản phẩm, lại luôn được như ý và không phụ thuộc vào thời tiết, không sử dụng thuốc trừ sâu. Nông dân ăn mặc như công chức, nói chuyện đầy tự tin về việc mình làm, phong cách dù không muốn vẫn toát lên cái sang trọng, tự tin khi bản thân là nông dân nhưng lại sở hữu tiền tỷ như một doanh nhân.
Nhớ đến cha mẹ với biết bao hàm ơn, một thế hệ chuyên cần và nỗ lực nuôi con khôn lớn. Giá mà hôm nay cha mẹ còn trên cõi đời này sẽ thấy được sự đổi mới của đất nước, với một nền nông nghiệp tiên tiến và sẽ là tiền đề cho một nông thôn mới giàu đẹp văn minh. Ở đó, tôi và những người nông dân thời @ sẽ làm cho quê hương ngày thêm giàu đẹp.

 

Nguồn tin: Hàm Chương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây