Xã Hòa Thạnh (Huyện Châu Thành): Sức sống của một vùng biên giới, dân tộc

Thứ năm - 15/07/2021 09:51 1.287 0
Cầu Bến Cây Ổi bắc qua sông Vàm Cỏ Đông nối liền hai xã biên giới Hòa Thạnh và Phước Vinh (huyện Châu Thành)
Cầu Bến Cây Ổi bắc qua sông Vàm Cỏ Đông nối liền hai xã biên giới Hòa Thạnh và Phước Vinh (huyện Châu Thành)
          Xã Hòa Thạnh nằm phía Tây huyện Châu Thành, ở giữa xã Biên Giới và xã Hòa Hội; có đường biên giới tiếp giáp xã ThanaThanuônl (Campuchia) dài 5,5km; phía Bắc của xã là con sông Vàm Cỏ Đông mềm mại, mênh mông, tưới mát phù sa cho những cánh đồng.
          Từ bao đời nay, Hòa Thạnh là xã biên giới - dân tộc nghèo, kinh tế chưa thực phát triển lại bị chiến tranh tàn phá. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã mang lại sức sống cho nơi này - Đặc biệt là từ khi được tỉnh đầu tư xây dựng công trình giao thông trọng điểm: cầu Bến Cây Ổi tuyệt đẹp nằm vắt qua sông Vàm Cỏ, nối liền xã Hòa Thạnh với xã Phước Vinh trên đường tỉnh 784.
Cán bộ lãnh đạo xã Hòa Thạnh đều là những người trẻ, tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến- Phó Chủ tịch UBND xã, xuất thân là một cán bộ Đoàn rất vui khi nói về những đổi thay của xã trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, nhưng cũng khá khiêm tốn, chín chắn trong đánh giá thành quả và định hướng phát triển thời gian tới của địa phương.
          Xã Hòa Thạnh có tổng diện tích tự nhiên gần 3.500ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 78,82% (2758ha), đất lâm nghiệp là 14,69% (514ha). Xã gồm 5 ấp: Hiệp Phước, Cây Ổi, Hiệp Thành, Hiệp Bình, Hòa Hợp với 4.510 nhân khẩu/ 1.324 hộ. Trong đó ấp Hiệp Phước là vùng dân tộc thiểu số với 158 hộ dân tộc Khmer cùng 673 nhân khẩu (chiếm 15,7% dân số). Hầu hết nhân dân trong xã đều làm nông nghiệp, lực lượng lao động trẻ làm việc trong các khu công nghiệp, xuất phát điểm của kinh tế địa phương còn thấp… Từ những đặc điểm ấp, xã đã chọn những giải pháp phù hợp để từng bước phát triển khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn. Đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chăm lo cho đời sống đồng bào người dân tộc cũng như tăng thu nhập cho người dân trong xã.
          Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng - trước hết là giao thông, đảm bảo cho sinh hoạt và phát triển kinh tế. Trong những năm qua xã đã thực hiện 68 tuyến đường trục xã - liên xã, trục xóm - ấp, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài gần 50km (trong đó nhựa hóa gần 5km và cứng hóa gần 25km); hệ thống điện đạt chuẩn theo quy định với tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 100%. Trên địa bàn xã có 03 điểm trường: THCS Hòa Thạnh, Tiểu học Phạm Văn Nô, trường Mẫu giáo Hòa Thạnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp và trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó; Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng xã và 05 nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng năm 2020 với gần 15 tỷ đồng; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí vùng biên giới cho nhiều đối tượng…Những đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi bộ mặt của một xã vùng biên giới, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
          Để phát triển kinh tế, cơ cấu cây trồng ở xã Hòa Thạnh đã có sự thay đổi phù hợp. Cây lúa truyền thống đã dần dịch chuyển sang vườn cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, cam. Mít thái… đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, bước đầu xã cũng đã cố gắng trao đổi hình thức tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, sản xuất. Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu thành lập tháng 8.2016 gồm 10 thành viên đến nay đã phát triển được 32 thành viên với 50ha đất sản xuất; lúa chất lượng cao được xác định là sản phẩm chủ lực của xã và HTX, đáp ứng được tiêu chí bền vững và phù hợp với quy hoạch sản xuất của xã cũng như của huyện. Từ năm 2016 đến nay HTX liên kết với Cty TNHH MTV SXTM Huỳnh Phương cung cấp phân bón, lúa giống (Đài thơm 8, OM1545) và bao tiêu sản phẩm cho HTX. Hiện nay HTX đang triển khai cho thành viên sản xuất giống nếp mới IR4625 và giống lúa OM18 cùng bắp giống cho tập đoàn Segenta trong năm 2021-2022, tiến tới ký hợp đồng tiêu thụ đảm bảo đầu ra với giá cao.
          Cùng cán bộ xã về ấp Hiệp Phước - nơi tập trung đồng bào Khmer của xã Hòa Thạnh, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi nơi đây; những con đường kiên cố, sạch đẹp; ruộng lúa và vườn cây ăn trái, vườn trồng hàng bông xanh mát; chùa Hiệp Phước tuy nhỏ nhưng có khuôn viên rộng rãi và chiếc cổng chùa rất đẹp, phía sau là lò hỏa táng được xây mới kiên cố bảo đảm môi trường và theo tập quán chôn cất của người Khmer. Được biết xã đã tập trung đầu tư xây dựng cho vùng đồng bào dân tộc từ đường giao thông, điện, nhà ở, đất canh tác cho đến văn hóa, giáo dục…Vì thế, đồng bào Khmer Hòa Thạnh không chỉ có đời sống kinh tế tốt hơn mà số người theo học các cấp cũng tăng cao, có những ems au khi tốt nghiệp THPT đã vào đại học.
          Chia tay xã Hòa Thạnh, đọng lại trong tôi là cầu Bến Cây Ổi thon dài, xinh đẹp với từng đàn cò trắng thanh bình đậu rợp trên những cánh đồng dưới chân cầu. Cùng với đó là lời gởi gắm, ước mong của lãnh đạo và nhân dân xã Hòa Thạnh đến UBND tỉnh: “Có cầu để thông thương với các địa phương là mừng rồi, nhưng nếu được làm đường nhựa từ xã nối đến cầu để xe tải chở mía, mì, cao su, nông sản… của xã qua cầu và ra được đường 788 thì mừng hơn nữa. Nhớ viết dùm điều này nha nhà báo”
                                                                                                                       Đông Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây