TỌA ĐÀM ĐÓNG GÓP Ý KIẾN PHẢN BIỆN QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ GÒ DẦU (TÂY NINH) ĐẾN NĂM 2035

Thứ tư - 29/06/2022 03:38 70 0
TỌA ĐÀM ĐÓNG GÓP Ý KIẾN PHẢN BIỆN QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ GÒ DẦU (TÂY NINH) ĐẾN NĂM 2035
          Thực hiện Công văn số 993/UBND-KGVX ngày 23/3/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc chủ trương giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB & GĐXH) năm 2022 cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh; sáng ngày 13/6/2022 Liên hiệp Hội Tây Ninh đã tổ chức “Tọa đàm đóng góp ý kiến phản biện Quy hoạch chung đô thị Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh đến năm 2035”. Chủ trì và tham dự Tọa đàm có lãnh đạo Liên hiệp Hội, nhóm chuyên gia phản biện trong và ngoài tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
dsc 7821 chon 1
Nhóm chuyên gia dự Tọa đàm

          Tại buổi Tọa đàm, ngoài ý kiến của hai chuyên gia phản biện 1 và 2 (ThS. Nguyễn Ngọc Thiệp- Giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Hoàng Đạo Bảo Cầm- Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Hà Nội) các thành viên của nhóm chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề trọng tâm như: Quy hoạch xác định trọng tâm phát triển giao thông, logistic và du lịch là phù hợp với lợi thế vị trí của huyện Gò Dầu trong tương lai; nội dung quy hoạch bám sát đề cương và có báo cáo chứng minh căn cứ, bản vẽ đầy đủ… Tuy nhiên, quy hoạch còn rất nhiều hạn chế như: chưa phân tích được bối cảnh quy hoạch (Liên kết vùng với Long An, TP. HCM, Campuchia); chưa xác định được hình thái đô thị Gò Dầu trong tương lai (đô thị thông minh, đô thị sinh thái hay đô thị công nghiệp…); Quy hoạch thiết kế đô thị Gò Dầu còn máy móc, số liệu và căn cứ lỗi thời; chưa đề cập rõ ràng, khoa học các vấn đề quan trọng như cấp thoát nước, chất thải rắn, phát triển các phân khu, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; phát triển nông nghiệp và vai trò của Tanifood trên địa bàn… Hạn chế nổi bật nhất là chưa tận dụng được 51km chiều dài sông Vàm Cỏ Đông chạy qua địa bàn huyện Gò Dầu; chưa có phương án cải tạo sự “lệch cực” của Trung tâm đô thị Gò Dầu (thị trấn Gò Dầu nằm ở vị trí không phải là khu trung tâm, cách xa các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh…); chưa tận dụng được vị trí quan trọng của Gò Dầu trong liên kết vùng…
          Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ được tổng hợp trình UBND tỉnh và gởi cho UBND huyện Gò Dầu để có cơ sở khoa học chỉ đạo, xử lý xây dựng quy hoạch phù hợp trong thời gian tới.
                                                                                                Ngọc Hòa
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây