LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN CHÂU THÀNH

Thứ sáu - 10/05/2024 05:04 90 0
Đoàn GĐXH làm việc với UBND huyện Châu Thành
Đoàn GĐXH làm việc với UBND huyện Châu Thành
Sáng ngày 03/4/2024 Đoàn Giám định xã hội (GĐXH) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Tây Ninh do Chủ tịch Dương Thị Thu Hiền làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát và làm việc với UBND huyện Châu Thành về việc GĐXH hiệu quả sau hơn 3 năm (2020-2023) thực hiện “Đề án thực hiện Chương trình quốc gia (CTQG) Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Tại Châu Thành, Đoàn đã khảo sát 02 cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP: cơ sở sản xuất muối Thắng Lợi (xã Thái Bình) với 02 sản phẩm 3 sao (muối ớt tôm, muối tiêu) và Công ty TNHH Eco Green Việt Nam (thị trấn Châu Thành) với 08 sản phẩm 3 sao (Cùi bưởi sấy khô, Trà Bưởi – Cam - Sả, Trà Bưởi thái lát, Rượu Bưởi, Cùi bưởi sên bột, tẩm đường lá dứa sấy khô, Cùi bưởi sên bột, tẩm đường khoai môn sấy khô, Cùi bưởi sên bột, tẩm đường thốt nốt sấy khô, Cùi bưởi sên bột, tẩm đường cát trắng sấy khô). Ở những cơ sở này Đoàn đã khảo sát dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm…; trao đổi cùng chủ cơ sở sản xuất về nguyên liệu đầu vào, việc tiêu thụ sản phẩm, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất, những mong muốn thực hiện để khai thác và phát huy lợi thế của sản phẩm OCOP.
Làm việc với UBND huyện Châu Thành và các phòng ban chuyên môn, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP, các xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP; ông Đỗ Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: từ năm 2021 đến nay, hàng năm UBND huyện ban hành Kế hoạch CTQG Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện chủ trì, triển khai, phối hợp với các cơ quan, ban ngành huyện điều phối hoạt động của Chương trình mục tiêu hàng năm có ít nhất một sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Hàng năm tổ chức 01 lớp tập huấn cho khoảng 70 học viên là cán bộ phụ trách chương trình OCOP cấp huyện, xã, các chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Chương trình OCOP của huyện được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, phối hợp giữa các ngành chuyên môn, nhất là sự hỗ trợ của các sở ngành tỉnh trong việc hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP thường niên và tham gia công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm theo quy định. Thông qua chương trình OCOP, địa phương và chủ thể sản xuất kinh doanh đã thấy được rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là phát triển ngành nghề nông thôn.
Kết quả đến nay huyện Châu Thành có 11 sản phẩm của 03 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP (đều là sản phẩm 3 sao). Ngoài ra huyện đã đề nghị về tỉnh công nhận 03 sản phẩm đạt 4 sao (Gạo Nàng Tấm, Gạo ST25 Én Vàng, Gạo thơm Hạnh Phúc) của Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt. Chủ thể các sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm…
chauthanh3
 
dsc5030
Đoàn GĐXH khảo sát các cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Cơ sở muối Thắng Lợi và Công ty TNHH Eco Green)

Tuy nhiên, do đặc điểm sản xuất, kinh tế của huyện, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; quá trình chọn và xây dựng, lập hồ sơ đăng ký, xếp hạng sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn do trình độ, nhận thức của các chủ thể; công tác tuyên truyền còn một số mặt hạn chế… nên cho đến nay chỉ có 3/15 xã của huyện có sản phẩm đạt OCOP - một con số khá thấp so với tiêu chí (mặc dù số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP khá cao là 11 sản phẩm). Vì thế, định hướng của huyện trong thời gian còn lại của đề án là ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP từ cây ăn quả, chim yến, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản và sản phẩm ngành nghề nông thôn. Hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm (cải thiện công nghệ, mở rộng vùng nguyên liệu, hoàn thiện bao bì, nhãn mác…). Đối với sản phẩm tiềm năng tập trung hỗ trợ, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với thế mạnh của địa phương, ưu tiên cho các sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương, hỗ trợ cơ sở hạ tầng nhà xưởng, máy móc, thiết bị…
Đề xuất nguyện vọng tại buổi làm việc, các chủ cơ sở có sản phẩm OCOP đề nghị được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền về chất lượng nguyên liệu đầu vào; công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, đặc biệt là thủ tục đưa lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, bách hóa xanh…
Bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Đoàn GĐXH đã tổng kết các ý kiến đóng góp, gợi ý định hướng cho huyện trong công tác triển khai Đề án và động viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm được công nhận OCOP tiếp tục phấn đấu, giữ vững tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
                                                                                          Đông Thảo
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây