LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TÂY NINH

Thứ sáu - 10/05/2024 04:33 78 0
Sáng ngày 03/4/2024 Đoàn Giám định xã hội (GĐXH) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Tây Ninh do Chủ tịch Dương Thị Thu Hiền làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát và làm việc với UBND thành phố Tây Ninh về việc GĐXH hiệu quả sau hơn 3 năm (2020-2023) thực hiện “Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng đi với Đoàn có ông Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh
Tại thành phố Tây Ninh, Đoàn đã khảo sát 02 cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP: Hộ kinh doanh Đinh Quốc Thắng (khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạnh) với 03 sản phẩm (Bánh tráng trắng, Bánh tráng mè, Bánh tráng muối ớt) đạt tiêu chuẩn 4 sao và Hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân) với sản phẩm Mãng cầu ta đạt tiêu chuẩn 3 sao. Ở những cơ sở này Đoàn đã khảo sát dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm, tình trạng đất trồng; thu nhập của công nhân, hội viên HTX; tiêu thụ sản phẩm… và trao đổi với chủ cơ sở về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình tham gia chương trình OCOP.
Làm việc với UBND thành phố Tây Ninh và các phòng ban chuyên môn, các xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; ông Lương Bá Can - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: từ năm 2021 đến nay, hàng năm UBND thành phố đều ban hành và triển khai Kế hoạch, công văn thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn thành phố Tây Ninh; đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thông tin tuyên truyền về Chương trình đến các cơ quan, đơn vị thành phố và các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn, nhằm thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Trung ương, tỉnh. Chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị liên quan thành lập, kiện toàn Hội đồng và nâng cao chất lượng đánh giá,  phân hạng sản phẩm OCOP cấp thành phố theo văn bản hiện hành. Phối hợp tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra; các cơ quan, đơn vị thành phố, UBND các xã, phường có sự phối hợp trong hướng dẫn thực hiện ngày càng chặc chẽ.
Kết quả thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2020 đến năm 2023 trên địa bàn thành phố có 09 chủ thể phát triển được 17 sản phẩm OCOP trong đó có 05 sản phẩm đạt hạng 4 sao (Bánh tráng trắng, Bánh tráng mè, Bánh tráng muối ớt, Yến sào sơ chế và Quả mãng cầu); 12 sản phẩm đạt hạng 3 sao (Mật ong Nguyệt quế, Hạt điều rang muối Lộc Phát, Bột sâm, Hoa sâm, Trà sâm, Rượu sâm Bố Chính; Xoài Úc R2E2, Mật ong rừng, Mật ong đặc biệt hoa Sao dầu, Quả mãng cầu ta, Dược tửu Bà Đen, Rượu sâm Tiến vua), đạt 170% kế hoạch về số lượng (KH 10 sản phẩm) và đạt 100% về chất lượng (KH có từ 3-5 sản phẩm đạt 4 sao). Nhìn chung sau 3 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh cùng với sự hướng dẫn triển khai của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh nên Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai thuận lợi. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP, hang hái tham gia nên các sản phẩm tham gia OCOP có chiều hướng tăng lên. Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì; đảm bảo điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Định hướng của thành phố về phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn là tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 hàng năm có từ 3-5 sản phẩm đăng ký tham gia đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Rà soát, định hướng cho các chủ thể đăng ký tham gia theo hướng vừa chú trọng phát triển sản phẩm mới, đồng thời phải chú trọng nâng cấp sản phẩm OCOP hiện có, với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, phấn đấu sản phẩm OCOP không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Khuyến khích các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP phải luôn luôn cải tiến mẫu mã sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất của mình. Tăng cường công tác giám sát sau công nhận sản phẩm OCOP để kiểm soát chặc chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng.
Đề xuất nguyện vọng tại buổi làm việc, các cơ sở có sản phẩm OCOP đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tiếp cận chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn, ngăn ngừa hàng giả nhãn mác OCOP, đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến cho hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân…
Ông Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giải đáp một số ý kiến, kiến nghị từ các xã phường, các cơ sở sản xuất; thông báo các chính sách về OCOP sắp được trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng Đoàn GĐXH đã tổng kết các ý kiến đóng góp, gợi ý định hướng và chúc mừng thành phố trong thực hiện OCOP đạt nhiều thành quả, góp phần thiết thực trong công tác xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
                                                                                                    Hải Âu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây