LIÊN HIỆP HỘI TÂY NINH TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TÂN CHÂU

Thứ tư - 27/03/2024 00:27 28 0
LIÊN HIỆP HỘI TÂY NINH TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI  HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)  TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TÂN CHÂU
Thực hiện nhiệm vụ Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội (TV, PB & GĐXH) năm 2024, ngày 21/3/2024 Đoàn GĐXH Liên hiệp Hội do bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Tây Ninh làm Trưởng đoàn đã tiếp tục đến khảo sát và làm việc với UBND huyện Tân Châu về việc GĐXH hiệu quả sau hơn 3 năm (7/2020-12/2023) thực hiện “Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng đi với Đoàn có ông Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Giai đoạn 2020-2023 UBND huyện Tân Châu đã cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện chương trình OCOP qua việc ban hành 47 văn bản chỉ đạo, triển khai xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình OCOP đạt hiệu quả, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án phù hợp trên địa bàn huyện; nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời tạo điều kiện để các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP phát triển ổn định, bền vững. Đảm bảo sự phối hợp chặc chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ những thắc mắc, khó khan cho doanh nghiệp, địa bàn xã…
Qua hơn 03 năm triển khai và thực hiện Đề án trên địa bàn huyện Tân Châu, toàn huyện có 12/13 sản phẩm (còn hiệu lực) được phân hạng và xếp loại, gồm 01 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao; 06 chủ thể đăng ký tham gia và phát triển được sản phẩm, cơ bản đảm bảo tiến độ mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020-2025. Một số chủ thể sau khi được xét, phân hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao (Mãng cầu Minh Trung, Rượu gạo Bà Đen, Dế Oanh Vĩnh…) đã góp phần tích cực trong việc tổ chức sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước thu hút lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Tại Tân Châu, Đoàn đã khảo sát 02 cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP: Sản phẩm Quả mãng cầu (4 sao) của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng); các sản phẩm rượu 3 sao (Rượu Gạo Bà Đen, Rượu Đinh Lăng, Rượu Ngâm Ba Kích, Rượu Nếp Bà Đen…) của hộ kinh doanh rượu gạo truyền thống Bà Đen (ấp Tân Hòa, xã Tân Phú). Ở những cơ sở này, Đoàn đã tham quan, khảo sát thực tế vườn mãng cầu, khu vực phân loại và trưng bày sản phẩm, dây chuyền sản xuất…; trao đổi cùng chủ cơ sở sản xuất về phương thức, thị trường tiêu thụ sản phẩm, mở rộng sản xuất; những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, cũng như việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và bảo quản sản phẩm; việc phấn đấu đạt và khai thác lợi thế của sản phẩm OCOP…
dsc4537
 
dsc4562
Đoàn GĐXH khảo sát thực tế tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Minh Trung và cơ sở sản xuất rượu gạo truyền thống Bà Đen

Làm việc với UBND huyện Tân Châu và các phòng ban chuyên môn, các xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; ông Võ Hồng Trang - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua 3 năm triển khai thực hiện “Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo tiến độ mục tiêu đề án. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù kinh tế - xã hội của huyện Tân Châu không có làng nghề truyền thống, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các cây trồng truyền thống (cao su, mía, mì) nên không thể phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; một số địa bàn có trồng cây ăn trái nhưng không mang tính đặc trưng, thế mạnh để có lợi thế, điều kiện phát triển. Đối với các sản phẩm khác như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực phẩm trên địa bàn huyện đa số nhỏ lẻ, chỉ sản xuất phục vụ trong phạm vi cấp huyện, không có nhu cầu tham gia Chương trình cũng như không đủ điều kiện để xét và phân hạng sản phẩm. Vì thế, đến hết năm 2023 mới chỉ có 5/11 xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình (đạt tỷ lệ 41,66% chỉ tiêu đề án).
dsc4637
Đoàn GĐXH làm việc với UBND huyện Tân Châu

Sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện tuy đạt yêu cầu về số lượng nhưng tính đa dạng còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, tính liên kết sản xuất chưa cao, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa hiệu quả, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia rất hạn chế… nên khi đánh giá, phân hạng sản phẩm không cao (chỉ có 1 sản phẩm của HTX Minh Trung đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao chiếm đến 92,30%). Định hướng của huyện trong những năm còn lại của Đề án là tăng cường thông tin tuyên truyền chương trình OCOP đến cộng đồng; tập trung tạo điều kiện hỗ trợ cho các chủ thể, nhất là HTX, doanh nghiệp có điều kiện tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; triển khai và thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cơ chế, chính sách đối với chủ thể tham gia chương trình, chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ nông nghiệp… nhằm tạo điều kiện thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP.
Đề xuất nguyện vọng tại buổi làm việc, các cơ sở có sản phẩm OCOP, đặc biệt là HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung đề nghị tỉnh cần có công trình nghiên cứu khoa học làm tăng thời gian bảo quản quả mãng cầu sau thu hoạch để có thể mở rộng thị trường xuất khẩu; đề nghị Chính phủ Việt Nam xem xét xúc tiến việc ký Nghị định thư với Trung Quốc để xuất khẩu mãng cầu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch…
Ông Trương Tấn Đạt - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiếp thu và giải đáp một số kiến nghị từ huyện và các cơ sở có sản phẩm OCOP; thông báo việc sẽ mở các lớp tập huấn chuyên sâu cho từng huyện, từng đối tượng về thủ tục, trình tự nộp hồ sơ, đánh giá xếp hạng… và thông báo các chính sách về OCOP sắp được trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện trong thời gian tới.
Bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng đoàn GĐXH đã tổng kết các ý kiến đóng góp, các kiến nghị, đề xuất của các cơ sở có sản phẩm được công nhận OCOP, đặc biệt là tầm quan trọng của khoa học công nghệ ứng dụng vào chương trình, sản phẩm OCOP; biểu dương và động viên các chủ thể tham gia chương trình tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Tân Châu cũng như tỉnh Tây Ninh.
                                                                                                              Ngọc Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây