LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TÂY NINH GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN DƯƠNG MINH CHÂU

Thứ sáu - 29/03/2024 04:09 18 0
Ngày 26/3/2024 Đoàn Giám định xã hội (GĐXH) Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Tây Ninh do bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp Hội làm Trưởng đoàn đã đến khảo sát và làm việc với UBND huyện Dương Minh Châu về việc GĐXH hiệu quả sau hơn 03 năm (7/2020-12/2023) thực hiện “Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng đi với Đoàn có ông Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh.
Tại Dương Minh Châu, Đoàn đã đi khảo sát 02 mô hình có sản phẩm được công nhận OCOP; 01 mô hình sản xuất bằng dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín của Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan (xã Cầu Khởi) với 03 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (Trà đinh lăng, Trà dây thìa canh, Trà túi lọc) và 01 mô hình sản xuất thủ công truyền thống của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Chúc (xã Bàu Năng) với sản phẩm “Mắm chua Bà Năm Cốm” (3 sao). Ở những cơ sở này Đoàn đã khảo sát dây chuyền sản xuất, phương thức sản xuất, chất lượng vệ sinh ATTP…; trao đổi cùng chủ cơ sở sản xuất về nguyên liệu đầu vào, phương thức tuyên truyền quảng bá sản phẩm, việc tiêu thụ sản phẩm; những khó khăn thuận lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như việc phấn đấu đạt và khai thác lợi thế của sản phẩm OCOP… Đặc biệt, Đoàn quan tâm đến việc đầu tư “Trạm dừng chân” với các sản phẩm trưng bày trong và ngoài tỉnh, những tiện nghi dành cho khách và hiệu quả bước đầu của việc thực hiện mô hình này ở doanh nghiệp KH&CN Trà Tâm Lan.
Làm việc với các phòng ban chuyên môn, các xã có sản phẩm đạt OCOP, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP tại UBND huyện Dương Minh Châu; bà Nguyễn Thị Ngọc Sang- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Từ năm 2020 đến 2023 huyện đã ban hành Kế hoạch Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm hàng năm; giao nhiệm vụ cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chủ trì triển khai, phối hợp với các cơ quan, ban ngành huyện điều phối hoạt động của Chương trình; mục tiêu hàng năm có từ 2-3 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Huyện đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức (tập huấn, phát tờ rơi, thông qua các hoạt động của đoàn thể). Chương trình OCOP của huyện được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn, nhất là sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh trong việc hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP thường niên và tham gia công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm…
Đến cuối tháng 12.2023 có 04/11 xã, thị trấn có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP; qua đó có 06 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, gồm 04 sản phẩm đạt 4 sao và 02 sản phẩm đạt 3 sao. Thông qua Chương trình OCOP, địa phương và chủ thể sản xuất - kinh doanh đã thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những chính sách, giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là phát triển ngành nghề nông thôn. Chủ thể các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu - nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý bán hàng, tiêu thụ sản phẩm… Tồn tại của huyện trong việc thực hiện Đề án chương trình OCOP là công tác tuyên truyền còn những mặt hạn chế; cán bộ và chủ thể chưa nắm rõ nội dung, ý nghĩa của chương trình; các chủ thể là hộ kinh doanh chưa được đào tạo về quản lý, chuyên môn nên quá trình xây dựng hồ sơ dự thi đánh giá sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, thủ tục - hồ sơ tham gia dự thi, đánh giá, phân hạng sản phẩm còn khá phức tạp, cần nhiều tài liệu chứng minh nên một số chủ thể còn e ngại, chưa quyết tâm tham gia chương trình; một số xã không có sản phẩm đặc thù, truyền thống để đăng ký tham gia… Do đó đến nay huyện vẫn còn 7/11 xã, thị trấn chưa có sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Định hướng của huyện trong thời gian tới là ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP từ cây ăn quả, thủy sản, dược liệu gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản và các ngành nghề nông thôn. Hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung vào đổi mới và hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật; mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương; quản lý và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định và phù hợp với yêu cầu của thị trường; sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng. Đối với các sản phẩm tiềm năng huyện sẽ tập trung hỗ trợ lựa chọn của sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm truyền thống; xây dựng liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu địa phương; đào tạo nghề cho lao động tại địa phương; hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề… Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại - kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP gắn với Chương trình hội chợ sản phẩm OCOP thường niên.
Đề xuất nguyện vọng, kiến nghị tại buổi làm việc, các cơ sở có sản phẩm OCOP, đặc biệt là Công ty TNHH MTV Tâm Lan đã bày tỏ sự đồng thuận với những ý nghĩa, lợi ích của Chương trình OCOP; trình bày ý tưởng, phương thức hoạt động của “Trạm dừng dân” do Công ty thực hiện và cấp thiết đề nghị các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho ý tưởng này nhằm góp phần phát triển du lịch địa phương thông qua việc cho phép mở khoảng cách ở vạch phân cách trên tỉnh lộ 783 trước cửa Công ty, tạo điều kiện cho du khách vào “Trạm dừng chân” nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đường phố theo quy định. Đề nghị đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân nhận thức rõ OCOP là gì và những lợi ích do Chương trình mang lại.
Đoàn GĐXH đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn và định hướng cho huyện trong việc thực hiện Chương trình OCOP có hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Ông Trương Tấn Đạt - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiếp thu và giải đáp một số kiến nghị từ huyện và các cơ sở có sản phẩm OCOP; thông báo việc sẽ mở các lớp tập huấn cho huyện và các chính sách sắp được trình UBND phê duyệt để thực hiện trong thời gian tới.
Bà Dương Thị Thu Hiền - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng đoàn GĐXH đã tổng kết các ý kiến đóng góp, các kiến nghị đề xuất của các cơ sở có sản phẩm được công nhận OCOP. Bà đặc biệt lưu ý huyện về công tác tuyên truyền Chương trình OCOP; về việc khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương trong việc quy hoạch, chọn lựa xây dựng sản phẩm OCOP; quan tâm giải quyết những bức xúc, kiến nghị của doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất để phát triển OCOP một cách bền vững.
                                                                                                    Đông Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây