Thực hiện nhiệm vụ Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội (TV, PB&GĐXH) năm 2024, ngày 20/3/2024 Đoàn GĐXH Liên hiệp Hội do bà Dương Thị Thu Hiền- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Tây Ninh đã đến khảo sát và làm việc với UBND huyện Tân Biên về việc GĐXH hiệu quả sau hơn 03 năm (7/2020-12/2023) thực hiện “Đề án thực hiện Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Cùng đi với Đoàn có ông Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh. Tại Tân Biên, Đoàn đã khảo sát 03 cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP: Sản phẩm Dưa lưới Fagri (3 sao) của Công ty TNHH Tương Lai (ấp Trà Hiệp, xã Trà Vong); Sản phẩm Chao Phúc Bình Dương (4 sao) của cơ sở sản xuất Chao Phúc Bình Dương (ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây); Sản phẩm gạo Thơm Mỹ (3 sao) của hộ kinh doanh Lê Ngọc Hoa (ấp Thanh Hòa, xã Mỏ Công). Ở những cơ sở này Đoàn đã khảo sát dây chuyền sản xuất, chất lượng sản phẩm…; trao đổi cùng chủ cơ sở sản xuất về nguyên liệu đầu vào, phương thức tuyên truyền quảng bá sản phẩm, việc tiêu thụ sản phẩm, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như việc phấn đấu đạt và khai thác lợi thế của sản phẩm OCOP… Làm việc với UBND huyện Tân Biên và các phòng, ban chuyên môn, các xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, các doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP; ông Nguyễn Ngọc Trãi- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết từ năm 2021 đến nay UBND huyện, Hội đồng đánh giá và phân hạng OCOP huyện đã ban hành 15 văn bản để chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp huyện đến cấp xã, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. UBND huyện Tân Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể hàng năm; xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua thực hiện chương trình, tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện Đề án, trong đó chủ yếu tập trung xã hội hóa, dựa vào sức dân để phát triển các sản phẩm tiềm năng của xã. Thành lập Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, hàng năm tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm đăng ký tham gia. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện, nhất là công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP qua các năm, có sự phối hợp giữa các sở ngành tỉnh và huyện… Đề án thực hiện Chương tình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã góp phần thực hiện nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, nâng cao thu nhập đời sống nhân dân, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Tân Biên. Lũy kế đến nay huyện Tân Biên đã có 05 sản phẩm OCOP, gồm 01 sản phẩm được công nhận 4 sao và 4 sản phẩm được công nhận 3 sao. Tuy nhiên do huyện Tân Biên có đặc điểm là huyện nông nghiệp với nhóm cây trồng chủ lực là cao su, mía, mì, lúa…; một số xã không có các sản phẩm thuộc các lĩnh vực khác như nhóm đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh… nên đến nay trên địa bàn huyện chỉ có 5/9 xã có sản phẩm OCOP (còn 4/9 xã chưa có). Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP một số nơi còn chưa thật sự hiệu quả, một số chủ thể có sản phẩm tiềm năng nhưng không tham gia chương trình vì chưa thấy được ý nghĩa của việc tham gia và tâm lý còn e ngại nên không đăng ký thực hiện. Định hướng phát triển sản phẩm của huyện trong thời gian tới là các sản phẩm tham gia có nguồn gốc từ địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của xã; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng huyện, dịch vụ du lịch dựa trên thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, trí thức và văn hóa của từng xã. Đề xuất nguyện vọng tại buổi làm việc, các cơ sở có sản phẩm OCOP đề nghị được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền về chất lượng nguyên liệu đầu vào (nguồn nguyên liệu tại địa phương), hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng giống cây trồng…; vấn đề tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP… Ông Trương Tấn Đạt- PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giải đáp một số ý kiến, kiến nghị từ huyện và các cơ sở sản xuất; thông báo các chính sách về OCOP sắp được trình HĐND tỉnh phê duyệt để thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Bà Dương Thị Thu Hiền- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng đoàn GĐXH đã tổng kết các ý kiến đóng góp, gợi ý định hướng cho huyện trong công tác triển khai thực hiện Đề án và động viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm được công nhận OCOP tiếp tục phấn đấu, giữ vững tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế- xã hội địa phương Ngọc Hòa |