Hội Sinh Vật cảnh

Chủ nhật - 31/01/2021 03:41 85 0
HỘI SINH VẬT CẢNH TỈNH TÂY NINH
HƯỚNG ĐẾN MỘT NGÀNH KINH TẾ SINH THÁI
 
          Hội Sinh vật cảnh Tây Ninh được thành lập năm 2011, trực thuộc Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam và là thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh. Hội là một tổ chức quần chúng tập hợp những người yêu thích sinh vật cảnh (SCV), những người sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh; những nhà khoa học, mỹ nghệ và nghệ nhân hoạt động cho sự bảo vệ và phát triển SVC trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ở thời điểm mới thành lập, Hội Sinh vật cảnh Tây Ninh là một trong những đơn vị yếu nhất cả nước. Hội hoạt động trong điều kiện rất khó khăn: không có cơ sở vật chất, hội viên toàn tỉnh không đến 100 người, chỉ có duy nhất bộ môn hoa lan cây cảnh…
          Với nhận thức: “Muốn phát triển phong trào SVC tại tỉnh nhà thì việc đầu tiên là phải tập hợp được người làm nghề và người có thú đam mê thưởng ngoạn sinh vật cảnh”, Ban Chấp hành Hội đã động viên và tập hợp một số hội viên tâm huyết, có tay nghề khá và có năng lực về sư phạm. Năm 2014, thông qua sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Liên hiệp Hội Tây Ninh, Hội đã đi đến các địa phương trong tỉnh vận động tổ chức lớp học theo phương thức: địa phương lo công tác tổ chức lớp học, Hội SVC chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật SVC cùng với cung cấp tài liệu tham khảo miễn phí, chỉ với một điều kiện duy nhất là sau khi bế giảng khóa học, những học viên sẽ là lực lượng nòng cốt để thành lập câu lạc bộ SVC tại địa phương. Với cách làm này, chỉ riêng trong năm 2015 Hội đã thực hiện được 03 lớp tại huyện Trảng Bàng và Tân Châu; những năm sau đó Hội đã phối hợp với một số các đơn vị có điều kiện mở lớp dạy nghề cho nông dân vùng nông thôn như Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Tây Ninh, Trung tâm Khuyến Nông Tây Ninh để mở lớp, trong khi vẫn duy trì việc chuyển giao nghề SVC miễn phí cho các địa phương.
          Ở giai đoạn đầu của việc chuyển giao kỹ thuật SVC thông qua các lớp học ở địa phương diễn ra theo hình thức “cầm tay chỉ việc” là chính; phương pháp này hoàn toàn phù hợp vì mang tính thực tế cao và thích ứng với đối tượng được chuyển giao. Từ năm 2015, Hội đã tạo điều kiện cho các hội viên có tâm huyết, có tay nghề nhưng chưa đủ năng lực sư phạm theo học các lớp ngắn hạn về sư phạm do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Đến nay, đội ngũ giáo viên của Hội đã có thể đáp ứng công tác giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật SVC tại tỉnh nhà.
          Song song với việc chuyển giao những kiến thức cơ bản về SVC; Hội cũng chú trọng đến việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành như: Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan Mokara tại Thị xã Trảng Bàng; nuôi trồng và chăm sóc cây Mai vàng tại xã Long Thành Nam - Thị xã Hòa Thành; nuôi trồng và chăm sóc cây Lan rừng Ngọc Điểm tại xã Tân Hà - huyện Tân Châu…Kết quả thật bất ngờ khi gần 100 học viên tham gia học chuyên ngành đã bám sát với nghề đồng thời phát huy, ứng dụng những kỹ thuật đã được chuyển giao vào việc nuôi trồng, kinh doanh cây cảnh; nhiều hội viên đã thực sự làm giàu từ nghề SVC. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất cây hoa cảnh tăng mạnh cả về diện tích cây trồng và chất lượng sản phẩm: các trang trại hoa lan ở xã Gia Lộc, Thị xã Trảng Bàng là dấu hiệu khởi đầu cho một vùng chuyên canh SVC lớn trong tương lai; còn ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu, năm 2015 chỉ có hơn 3ha lan Ngọc Điểm thì đến nay đã phát triển gần 20ha và được UBND xã đưa việc “Phát triển nuôi trồng và bảo tồn cây lan Ngọc Điểm” thành một mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương.
          Cùng với phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng Nông thôn mới - văn minh đô thị” của cả tỉnh, hưởng ứng phát động của Liên hiệp Hội Tây Ninh, giai đoạn 2016-2020 Hội SVC Tây Ninh đã hợp tác tổ chức thành công 15 lớp học, 4 cuộc Hội thảo về SVC ở nhiều địa phương trong tỉnh với 538 người tham gia. Và cũng với công tác đào tạo này, tổ chức Hội SVC Tây Ninh ngày càng được mở rộng; đến tháng 9.2020 Hội SVC Tây Ninh đã có: 01 Hội SVC cấp huyện (huyện Tân Châu), 37 CLB Sinh vật cảnh và hàng ngàn hội viên tham gia hoạt động.
          Hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo KHKT do Liên hiệp Hội tỉnh tổ chức, năm 2013 đề tài “Làm cây cảnh nghệ thuật từ cây dâu tằm” (của nghệ nhân Nguyễn Thế Long) đã đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 8 (2012-2013); năm 2017 đề tài NCKH cấp cơ sở “Nuôi trồng Bonsai trong môi trường nước” của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thế Long và các cộng sự cũng đã đạt giải Nhì Hội thi lần thứ 10(2016-2017)
          Với những hoạt động tích cực, trong 5 năm qua Hội SVC Tây Ninh đã có 01 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú (Chủ tịch Hội SVC Nguyễn Thế Long), 03 hội viên được phong tặng Nghệ nhân SVC Việt Nam và 02 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân SVC Tây Ninh. Trong những năm qua Hội SVC Tây Ninh đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những đơn vị đứng trong tốp đầu của Khối thi đua LHH Tây Ninh; năm 2018 Hội vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc…Đây là động lực để các hội viên Hội SVC Tây Ninh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê và thúc đẩy phong trào SVC tỉnh nhà ngày càng phát triển, hướng đến một ngành kinh tế sinh thái, gắn với du lịch Tây Ninh.
                                                                                                                     HẢI ÂU
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây