Trung tâm Khoa học Công nghệ

Chủ nhật - 31/01/2021 03:44 54 0
TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TÂY NINH
PHÁT HUY HIỆU QUẢ ỨNG DỤNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
 
          Trung tâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Tây Ninh trực thuộc Sở KH&CN Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện chức năng thông tin, thống kê KH&CN; nghiên cứu, ứng dụng, triển khai chuyển giao công nghệ, dịch vụ KH&CN; tư vấn, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ KH&CN; thực hiện dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước về KH&CN của tỉnh. Chính thức trở thành thành viên Liên hiệp các Hội KH&KT Tây Ninh từ năm 2013, Trung tâm đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành và hoạt động phối hợp cùng Liên hiệp Hội; đặc biệt là hiệu quả trong công tác tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đưa tiến bộ KH&KT vào sản xuất và đời sống nhằm phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.
          Nghiên cứu và ứng dụng KHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm KH&CN Tây Ninh; trong giai đoạn 2016-2020 Trung tâm đã thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp tỉnh, 04 mô hình cấp cơ sở và phối hợp tổ chức 108 lớp chuyển giao ứng dụng KHCN cho các ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội …Năm 2017 Trung tâm hoàn thành Dự án nông thôn miền núi “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất một số loại cây ăn quả (mãng cầu ta, nhãn, ổi) tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh”; qua đó xây dựng 05 mô hình tại các xã Suối Đá, Phước Minh, Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), đào tạo 10 kỹ thuật viên, tập huấn kỹ thuật cho 200 nhà vườn, tổ chức hội thảo khoa học và hội thảo đầu bờ với 205 người tham dự; tổ chức 01 chuyến học tập thực tế mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo VietGAP…Cũng trong năm 2017 Trung tâm nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản cho mãng cầu ta Tây Ninh”. Đề tài đã đưa ra được quy trình giúp kéo dài thời gian bảo quản trái mãng cầu ta Tây Ninh, giúp mở rộng thị trường trái mãng cầu, giảm thất thoát và hư hao trong khâu bảo quản nâng cao giá trị mãng cầu ta Tây Ninh. Năm 2020, Trung tâm đã tiến hành nghiệm thu đề tài NCKH cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ tạo viên không nhiệt để sản xuất phân bón NPK kết hợp Silica từ tro trấu”, đang hoàn chỉnh báo cáo để sản xuất thử nghiệm,. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện 04 dự án, đề tài cấp cơ sở, đã nghiệm thu và đang hoàn thiện: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống lan cắt cành (Dendrolsium “Sonia Earcakul” và “White 5N”), chuối tiêu (Cavendish cp.) bằng phương pháp nuôi cấy mô”; Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng và sơ chế nấm bào ngư, nấm mộc nhĩ và nấm linh chi tại Trại thực nghiệm công nghệ sinh học tỉnh Tây Ninh”; đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất và ứng dụng chế phẩm Trichoderma trong canh tác ớt tại Tây Ninh” và đề tài “Xây dựng mô hình trồng các loại cây lấy tinh dầu (Bạc hà, Hương nhu tía, Sả Java) trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Các đề tài, dự án, mô hình trên đều mang tính ứng dụng cao trong đời sống, góp phần thay thế phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống, giúp nâng cao hiệu quả, tăng năng suất sản xuất của người dân.
          Bên cạnh việc nghiên cứu các đề tài, dự án, Trung tâm còn được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nhất là áp dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông qua việc đầu tư Dự án Xây dựng Trại thực nghiệm Công nghệ Sinh học. Dự án được thực hiện trên diện tích 3,7 ha với các hạng mục xây dựng nhà xưởng và các trang thiết bị. Trại thực nghiệm CNSH đi vào hoạt động giúp đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và phát triển CNSH, là cơ sở ban đầu triển khai ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghệ chế biến và bảo vệ môi trường; ứng dụng và nhân rộng cây trồng có năng suất và hiệu quả kinh tế cao; tạo ra các chế phẩm phục vụ chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi. Và quan trọng hơn là ứng dụng CNSH vào bảo vệ môi trường; các giải pháp sinh học xử lý ô nhiễm môi trường sống.
          Nhằm phát huy tối đa công suất các thiết bị được đầu tư, trên cơ sở vật chất của Trung tâm thực nghiệm CNSH Trung tâm đã thực hiện nhiều đề tài; dự án mô hình nghiên cứu ứng dụng  tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp (Lan cắt cành, Rau rừng Gia Lai, cây dược liệu, sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, Hệ thống rau thủy canh và Hệ thống Aquaponic cải tiến, sản xuất các vi sinh vật sử dụng trong sản xuất phân bón…). Đặc biệt, Trại thực nghiệm CNSH đang thực hiện nhiệm vụ cấp thiết trong chuỗi nông nghiệp giá trị cao do UBND tỉnh chỉ đạo là sản xuất các giống cây trồng phục vụ cung cấp, nông sản nguyên liệu cho hoạt động sản xuất của nhà máy chế biến nông sản Tanifood (Gò Dầu - Tây Ninh). Trung tâm còn tiến hành sử dụng nguồn quỹ hoạt động sự nghiệp của đơn vị thực hiện thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới với năng suất 2-5 trái/cây; mô hình trồng cà chua Bi giống đỏ, vàng và mô hình dưa leo siêu trái tự thụ phấn. Ngoài ra, Trại còn thực hiện nhiều hoạt động trong lĩnh vực CNSH, điều đó cho thấy sự hiệu quả trong đầu tư phát triển và ứng dụng CNSH của tỉnh.
          Thực hiện công tác chuyển giao ứng dụng KH&CN, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện, thị, thành phố mở 66 lớp chuyển giao các mô hình cho gần 2000 học viên với các nội dung: Đệm lót sinh học trong chăn nuôi, xử lý rác sinh hoạt hữu cơ, hộ gia đình, trồng lan Dedrolsium cắt cành, trồng rau thủy canh, trồng nấm bàu ngư, trồng rau mầm, ủ phân hữu cơ sinh học, trồng rau theo hướng hữu cơ, mô hình Aquaponic, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, thiết bị lọc nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hộ gia đình… Các mô hình chuyển giao đều đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của các địa phương và được đông đảo người dân nhiệt tình tiếp nhận. Đặc biệt, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Kinh tế Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu, Châu Thành, Tân Biên…tiến hành triển khai lắp đặt 140 thiết bị lọc nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ gia đình nhằm góp phần thực hiện chương trình nước sạch nông thôn cũng như hỗ trợ những hộ gia đình sống trong khu vực có nguồn nước sinh hoạt chưa bảo đảm. Ngoài ra, Trung tâm còn mở 12 lớp chuyển giao các mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&KT Công nghệ (mô hình trồng nấm bàu ngư, trồng rau trên tháp, trồng rau theo hướng hữu cơ, hướng nghiệp học đường về nông nghiệp công nghệ cao…) cho hơn 360 học viên theo nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị; Xây dựng mô hình hệ thống lọc nước sinh hoạt và mô hình trồng rau an toàn theo hướng hữu cơ cho 02 đồn biên phòng. Trung tâm cũng tăng cường mở rộng hoạt động liên kết hợp tác với các tỉnh bạn, nhận chuyển giao các mô hình: Mô hình trồng ra thủy canh (2018 - Trung tâm UDTB KH&CN tỉnh Cần Thơ), Quy trình nhân giống khóm bằng phương pháp nuôi cấy mô (2018, Trung tâm TT&UDKHCN Hậu Giang), Mô hình trồng nấm mối đen (2019 - Trung tâm ươm tạo - Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao), Quy trình trồng dưa lưới (2019 - Nông trại sạch Cần Thơ)
          Với những hoạt động tích cực trong lĩnh vực KH&CN, giai đoạn 2016-2020, Trung tâm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng 01 Bằng khen, 01 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được UBND tỉnh tặng 01 bằng khen, Liên hiệp Hội tặng 02 giấy khen về thành tích tham gia và đạt giải trong Hội thi Sáng tạo KH&KT tỉnh Tây Ninh.
          Định hướng của Trung tâm trong giai đoạn tới là đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Tập trung xác định, tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN về phát triển bền vững, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao qua việc tập trung xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ và lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch. Do đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác hợp tác với các đơn vị có chuyên môn cao, các trường Đại học, các Trung tâm Công nghệ cao; phối hợp thực hiện các mô hình nông nghiệp có tính ứng dụng cao và phù hợp với điều kiện của địa phương.                         
                                                                                                                     Hải Âu
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây